Phục hồi sầu riêng sau thu hoạch
Thời điểm này, các nhà vườn trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc cây trồng để bảo đảm năng suất và chất lượng cao hơn trong mùa vụ mới.
Gia đình ông Bùi Hữu Sơn (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) có hơn 1 ha sầu riêng trồng xen cà phê đang bước sang năm thứ năm.
Sau mỗi vụ thu hoạch, ông rất chú trọng đến việc chăm sóc cho cây sầu riêng, cung cấp đủ chất dinh dưỡng để cây được phục hồi, bởi sau một thời gian nuôi trái, cây sẽ bị suy yếu, dễ bị các loại sâu bệnh hại tấn công. Việc chăm sóc tốt sau thu hoạch sẽ kích thích sầu riêng ra đọt, nuôi hoa, tạo trái trong vụ mới.
Giai đoạn này, ông thường xuyên thăm vườn, tập trung chăm sóc, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật từ tỉa cành, cải tạo đất, tưới nước đến bón phân, xịt thuốc cho cây.
“Ngày nào tôi cũng đi thăm vườn, vì đây là thời điểm quan trọng. Tôi phải dùng các phương pháp kích thích cây sầu riêng nhanh ra cơi lá mới trong giai đoạn nuôi hoa, làm trái để hạn chế tình trạng cây "dồn sức" nuôi đọt non, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của trái.
Công đoạn này không chỉ giúp đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ, tập trung dinh dưỡng vào việc cây làm hoa và nuôi trái mà còn duy trì sức đề kháng của cây trước các yếu tố gây hại. Nếu để cây sầu riêng tập trung vào việc phát triển đọt trong giai đoạn làm hoa hoặc nuôi trái non, cây sẽ không ra mầm hoa được hoặc sẽ bị rụng hoa và trái hàng loạt trong giai đoạn này. Tuy nhiên, để cây đậu quả, có sản lượng cao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ thuật chăm sóc và thời tiết thuận lợi”, ông Sơn chia sẻ.
Người dân (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) tưới nước giữ ẩm cho cây sầu riêng. |
Anh Tôn Văn Tùng (thôn 1A, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) cho biết, muốn cây sầu riêng đạt năng suất cao và ổn định, trái to, đẹp đều, người trồng cần phải áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh khoa học, từ khâu chọn giống, xử lý đất, các loại nấm bệnh và sâu bệnh, mật độ trồng cho đến các kỹ thuật canh tác như tỉa cành tạo tán, tỉa thưa hoa, trái. "Hầu hết cây trong vườn nhà tôi đã bắt đầu ra hoa. Năm nay, vườn sầu riêng ra hoa sum suê, lượng hoa dày đặc. Để giúp cây đậu trái, đạt chất lượng cao, tôi đã tiến hành cắt tỉa bớt số lượng hoa, quả trên cây, đặc biệt là số hoa, quả ra trái mùa, những cuống hoa nhỏ, hoa mọc quá khít nhau, hoa ở đầu cành", anh Tùng cho hay.
Nông dân xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây sầu riêng. |
Bắt đầu trồng sầu riêng xen với cà phê từ năm 2018, đến nay gia đình ông Nguyễn Như Văn (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) đã mở rộng diện tích trồng sầu riêng lên 9 sào; thu được hơn 10 tấn sầu riêng trong vụ vừa qua.
Theo ông Văn, trái sầu riêng phải to đều, đẹp, múi phải vàng ươm thì mới bán được giá cao, vì vậy, nông dân cần phải thường xuyên cập nhật các biện pháp chăm sóc sầu riêng khoa học thông qua tìm hiểu trên sách báo, mạng Internet, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của bản thân và những nông dân giỏi đi trước.
"Để có một vườn cây sầu riêng luôn đạt năng suất trái ổn định, chất lượng trái đồng đều, bắt mắt, trong quá trình chăm sóc nên sử dụng kết hợp các loại phân hữu cơ và phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật một cách phù hợp. Đặc biệt, đừng quá vì ham lợi nhuận mà ép cho cây ra trái quá sức. Bởi hiện nay, nhiều nông dân thấy sầu riêng được giá nên kích thích cho cây ra nhiều trái. Như vậy, cây sầu riêng sẽ nhanh xuống sức dẫn đến không đạt sản lượng, cây sẽ yếu dần và chết", ông Văn nói.
Ngọc Thùy
Ý kiến bạn đọc