Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Súp: "Mạnh tay" thu hồi đất lâm nghiệp bị xâm chiếm

09:33, 13/09/2022

Không chỉ gặp khó trong việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, thời gian gần đây, huyện Ea Súp còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị xâm chiếm trái phép. Để làm tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, chính quyền địa phương nơi đây đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó sẽ kiên quyết cưỡng chế thu hồi lại diện tích đất bị xâm chiếm.

Khó vận động, thuyết phục

Ngày 17/12/2012, UBND tỉnh có Quyết định số 2988/QĐ-UBND cho Công ty Cổ phần Địa ốc Thái Bình Phát (gọi tắt là Công ty Thái Bình Phát - địa chỉ quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) thuê 714,37 ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 267, 268 (thuộc xã Ea Bung, huyện Ea Súp) để triển khai Dự án đầu tư cải tạo, khoanh nuôi quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Dự án này không đạt hiệu quả. Công ty Thái Bình Phát buông lỏng quản lý, bảo vệ nên nhiều hộ dân trong vùng đã đến xâm chiếm, mua bán trái phép đất rừng để canh tác sản xuất. Xác định việc làm của Công ty Thái Bình Phát đã vi phạm quy định Luật Đất đai năm 2013, ngày 23/2/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 397/QĐ-UBND thu hồi toàn bộ diện tích đất trên giao cho UBND huyện Ea Súp quản lý theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy định của pháp luật.

Lực lượng công an đến tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hộ Sùng Seo Toán.

Theo thống kê của địa phương, hiện có 103 hộ/508 khẩu đang lấn, chiếm, sử dụng trái phép 515,91 ha đất rừng tại đây để trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái và cây nông nghiệp ngắn ngày; xây dựng trái phép 59 công trình (chòi rẫy, lán trại, nhà ở…).

Để thu hồi đất lâm nghiệp bị xâm chiếm tại hai tiểu khu nói trên, ngay sau khi được giao về cho địa phương, UBND huyện Ea Súp đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với chính quyền địa phương đến gặp gỡ từng hộ dân liên quan để tuyên truyền, vận động bà con chấp hành pháp luật, tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước. Tuy nhiên đa số các hộ dân không đồng thuận; một số hộ đồng ý trả lại đất nhưng yêu cầu phải có chính sách hỗ trợ tái định canh, định cư, đền bù về hoa màu trên đất.

Qua khảo sát cho thấy, hầu hết diện tích đất bị xâm chiếm hiện đang được người dân canh tác và cho thu nhập ổn định hằng năm; một số thửa bị sang nhượng trái phép qua nhiều chủ. Do đó, khó thuyết phục người dân trả lại hoặc chuyển sang trồng rừng. Công tác rà soát, phân loại đối tượng lấn chiếm đất rừng gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận đối tượng và không có đủ hồ sơ về vi phạm, không xác định được thời điểm xâm lấn… Đây là những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý rừng và thu hồi đất rừng bị xâm chiếm kéo dài trong nhiều năm qua. Cho nên, chính quyền huyện Ea Súp dù đã triển khai nhiều giải pháp từ tuyên truyền, vận động người dân đến việc lên kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất bị xâm chiếm, nhưng đến nay vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.

Kiên quyết cưỡng chế thu hồi

Sau nhiều lần vận động bất thành, năm 2021, UBND huyện Ea Súp đã thành lập đoàn đến hiện trường để rà soát, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ lấn chiếm đất rừng. Thế nhưng, thời điểm lập biên bản xử lý thì chỉ có 26 hộ đứng ra nhận đất của mình, 77 hộ còn lại không hợp tác. Trước tình hình đó, tháng 8/2022, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 103 hộ xâm chiếm đất tại tiểu khu 267, 268 xã Ea Bung. Theo đó, UBND huyện Ea Súp cũng thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện cưỡng chế thu hồi đất rừng xâm chiếm. Đồng thời trình văn bản xin ý kiến của UBND tỉnh thống nhất thời gian tiến hành cưỡng chế sắp tới và đề nghị Công an tỉnh hỗ trợ cho huyện trước, trong, sau quá trình cưỡng chế thu hồi đất.

Lực lượng Công an giúp người dân thu hoạch bắp.

Thượng tá Nguyễn Thế Hưng, Phó trưởng Công an huyện Ea Súp cho biết, để chủ động nắm tình hình, bảo đảm an toàn, an ninh cho công tác cưỡng chế thu hồi đất rừng lấn chiếm tại hai tiểu khu nói trên, Công an tỉnh đã phối hợp với Công an huyện Ea Súp thành lập 2 tổ công tác thường trực tại cơ sở. Các chiến sĩ công an đã đến từng nhà người dân có đất xâm chiếm để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng tham mưu, đề xuất kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý, giải quyết. Cùng với đó là sàng lọc, xác định các đối tượng đứng sau, cầm đầu, kích động, lôi kéo người dân không đồng thuận, chống đối chính sách, pháp luật, các chủ trương thu hồi đất của tỉnh, huyện. Từ đó, chủ động bóc tách, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, lên phương án xử lý kiên quyết những sai phạm. Đi đôi với đó, các tổ công tác cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong việc quản lý thu hồi vũ khí, vật liệu nổ. Từ năm 2020 đến nay, lực lượng công an đã thu 6 khẩu súng (gồm 2 khẩu súng Klíp, 2 súng kíp, 2 súng cồn) tại tiểu khu 267, 268. Ngoài ra còn thu hồi nhiều vũ khí thô sơ, nhằm bảo đảm an toàn cho công tác cưỡng chế, thu hồi đất sắp tới.

Theo ông Ngô Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, đa số các hộ gia đình xâm chiếm, canh tác trái phép trên đất lâm nghiệp tại tiểu khu 267, 268 là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy trong quá trình lập phương án cưỡng chế, UBND huyện Ea Súp đã chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp danh sách những hộ thực sự thiếu đất ở, đất sản xuất để đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ giải quyết, ổn định về an sinh xã hội cho bà con. Đồng thời, để làm tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, UBND huyện sẽ phối hợp với các ban, ngành kiên quyết thu hồi lại diện tích đất bị xâm chiếm tại tiểu khu 267, 268, xã Ea Bung; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, lợi dụng vụ việc để xuyên tạc, lôi kéo, kích động chống phá gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.