Mạo danh cơ quan chức năng để yêu cầu mua tài liệu
Lợi dụng sự tiện lợi của hình thức giao hàng và thanh toán tại nhà, một số kẻ xấu đã mạo danh cơ quan chức năng gửi tài liệu rồi thu những khoản tiền không nhỏ từ người nhận.
Giữa tháng 10 vừa qua, sau khi hoàn tất việc đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế, chị Triệu Thị Lan (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) nhận được hai cuộc gọi thông báo về các thủ tục đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Người liên lạc với chị Lan liên tục nhấn mạnh rằng trong vòng 15 ngày tới sẽ có đoàn kiểm tra ATVSTP phối hợp cùng chính quyền địa phương đến kiểm tra tại cơ sở nuôi, sản xuất và đóng gói mật ong của hộ chị Lan. Người này yêu cầu chị mua một bộ tài liệu để xuất trình khi đoàn kiểm tra đến, nếu không có tài liệu sẽ bị phạt nặng.
Do lo sợ bị phạt nên chị Lan đồng ý mua tài liệu. Sau đó ít ngày, chị nhận được cuộc gọi từ bưu tá và nhờ người nhà nhận giúp. Cả ba bưu phẩm chuyển đến đều rõ họ tên người nhận là chị Triệu Thị Lan, người nhà của chị phải thanh toán tổng số tiền là 1.280.000 đồng.
Khi chị Lan mở bưu phẩm thì phát hiện hai bưu phẩm đề nội dung “Bộ văn bản ATVSTP 2022” với địa chỉ người gửi từ xã Nga Giáp, huyện Nga Trung, tỉnh Thanh Hóa là hai quyển sách “Luật bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành” có nội dung giống nhau. Mỗi bưu phẩm có trị giá thu hộ là 395.000 đồng. Bưu phẩm còn lại với số tiền thu hộ 490.000 đồng là đĩa DVD ghi nội dung “Tài liệu luật thuế”, có thông tin người gửi là “Kim Ngọc”, ở địa chỉ 3/8, đường số 4, khu phố 8, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh.
Thấy cả hai nơi gửi đến đều là cá nhân chứ không phải cơ quan chức năng, chị Lan ngờ ngợ và hỏi thăm người bạn cùng đi đăng ký hộ kinh doanh với mình là chị Đặng Thị Sở, thì được biết chị Sở cũng nhận được đĩa DVD với nội dung giống như vậy, chỉ khác người gửi là “Minh Nguyệt” ở cùng địa chỉ tại quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh với số tiền phải trả là 490.000 đồng.
Chị Triệu Thị Lan (bên phải) chia sẻ với chị Đặng Thị Sở về số tài liệu mà kẻ mạo danh cơ quan chức năng gửi đến. |
Sau một thời gian chờ đợi mà không hề thấy đoàn kiểm tra nào đến cơ sở sản xuất, cả hai chị mới hay mình bị lừa! Đáng nói hơn, chị Lan và chị Sở vẫn tiếp tục bị làm phiền bởi các cuộc gọi tự xưng là đoàn kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy yêu cầu mua tài liệu tương tự. Nhưng nhờ nhận thức được thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, các chị đã không bị “sập bẫy” như trước đó.
Chị Lan chia sẻ, gia đình chị đã có thâm niên hơn 20 năm nuôi ong và nhiều năm bán lẻ trên các trang mạng xã hội nhưng trong suốt quãng thời gian ấy, chị không nhận được cuộc gọi yêu cầu mua tài liệu nào. Chỉ từ khi đăng ký hộ kinh doanh đến nay, chị mới rơi vào tình huống trớ trêu như trên nên không biết để đề phòng. Người liên lạc và gửi tài liệu đều nắm rõ thông tin cụ thể từ họ tên, số điện thoại, địa chỉ của chủ hộ kinh doanh, điều mà trước nay chị chưa từng công khai đầy đủ trên mạng xã hội. Sự trùng hợp này khiến chị nghi ngờ bản thân bị lộ, lọt thông tin cá nhân trong quá trình đăng ký thủ tục hộ kinh doanh với cơ quan chức năng, nhất là khi các chị không quen thao tác trên môi trường mạng nhưng lại phải đăng ký nhiều thông tin qua các ứng dụng số hóa. Từ đó, có khả năng chị đã truy cập và thao tác nhầm trên các đường dẫn, trang web không chính thống, không thuộc quản lý của các ngành chức năng.
Có thể thấy, chiêu trò mạo danh cơ quan chức năng gửi tài liệu và thu tiền là không mới nhưng với nhiều thủ đoạn đánh vào tâm lý, kẻ lừa đảo vẫn thu được số tiền lớn từ những người nhẹ dạ, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thiết nghĩ, không chỉ người dân tự nâng cao cảnh giác mà các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền cơ sở, hội, đoàn thể ở địa phương tăng cường hơn nữa tuyên truyền nâng cao nhận thức, giúp người dân dễ dàng nhận diện và tránh được các thủ đoạn lừa đảo. Đồng thời, khuyến cáo người dân khi thao tác các giao dịch trực tuyến, cần cẩn trọng, tránh việc vào sai đường dẫn, trang web làm lộ, lọt thông tin cá nhân.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc