Phát triển dữ liệu số - chìa khóa thúc đẩy chuyển đổi số
Dữ liệu số là tài nguyên quốc gia. Việc xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra giá trị mới. Xác định điều này, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực số hóa tài liệu giấy, làm giàu kho dữ liệu số phục vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Tạo lập cơ sở dữ liệu
Thực hiện Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, ngày 12/5/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 884/QĐ-UBND về Danh mục dữ liệu dùng chung tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được quan tâm phát triển, từng bước đáp ứng vai trò là hạ tầng truyền dẫn căn bản để kết nối giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) của các cơ quan nhà nước. Trung tâm dữ liệu của tỉnh cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để nâng cao năng lực, có hạ tầng lưu trữ dữ liệu riêng để lưu trữ, phục vụ phát triển các nền tảng, dữ liệu của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tìm hiểu hoạt động tại khu điều hành của Trung tâm Điều hành, giám sát đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk. |
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung đã kết nối, chia sẻ dữ liệu qua Nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia. Trong đó, đã tham gia kết nối, khai thác sử dụng dữ liệu từ 8 CSDL, 11 hệ thống thông tin có quy mô toàn quốc của 13 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp. Hiệu quả ban đầu mang lại rất lớn, góp phần tiết kiệm thời gian của xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ dựa trên dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời.
Ngày 10/10 hằng năm được chọn là Ngày Chuyển đổi số quốc gia và là Ngày chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk. Chủ đề chuyển đổi số năm 2023 của tỉnh Đắk Lắk là “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Đây là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, bảo vệ dữ liệu cá nhân, khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn người dân, doanh nghiệp. |
Theo ông Trương Hoài Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay, việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, nhất là dữ liệu từ các CSDL quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ địa phương đến Trung ương sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, lấy người dùng làm trung tâm. Theo đó, người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công, nhiều lần cho cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ; tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí. Với sự chia sẻ thông tin hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước, và mở cửa dữ liệu theo quy định pháp luật đã và sẽ thúc đẩy phát triển ba trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Hiện nay, các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn tỉnh gồm có hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk, hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh. Một số phần mềm, CSDL chuyên ngành, lĩnh vực đã được xây dựng, từng bước hình thành các CSDL dùng chung, CSDL mở phục vụ tiến trình xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh như: Phần mềm kế toán của tất cả các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố; Quản lý các đối tượng người có công của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế trên toàn tỉnh; Quản lý hộ tịch của Sở Tư pháp.
Ngoài ra, 100% dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh đủ điều kiện được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; có 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 50% cấp huyện và 20% cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Tập trung xây dựng dữ liệu ưu tiên và dữ liệu ngành
Thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương đã quan tâm đẩy mạnh phát triển dữ liệu cả xây dựng, hoàn thiện chính sách, tạo lập và khai thác sử dụng. Các dữ liệu nền tảng được xác định là dữ liệu ưu tiên gồm CSDL quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm, đất đai và các dữ liệu phục vụ các ngành, lĩnh vực trụ cột như giáo dục và đào tạo, việc làm, an sinh xã hội, nông nghiệp… đã được phát triển, hoàn thiện.
Trong đó, ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử theo Đề án 06 của Chính phủ được tăng cường thực hiện hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận và trả trên 1,7 triệu thẻ căn cước công dân cho người dân; thu nhận trên 362.000 tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2; đã có trên 1 triệu căn cước công dân gắn chip được cấp và đã xác thực trên 1,1 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Nguyễn Tuấn Hà (thứ hai từ phải sang) tìm hiểu các ứng dụng công nghệ số của doanh nghiệp. |
Về dữ liệu đất đai, đã xây dựng CSDL đất đai tại 7/15 huyện; 100% hồ sơ đã kết nối liên thông thuế điện tử; kết nối với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh (iGate); kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai; kết nối, chia sẻ CSDL địa chính với CSDL quốc gia về dân cư...
Đối với dữ liệu về doanh nghiệp, 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được thực hiện trên Hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia, do đó toàn bộ CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tiếp tục được công khai trên hệ thống (có kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan quản lý thuế và BHXH).
Về giáo dục và đào tạo, 100% cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông sử dụng hệ thống CSDL ngành liên thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp và quản trị đảm bảo số liệu được cập nhật thường xuyên, cung cấp cho việc thống kê, báo cáo. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, 100% hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX), cấp phù hiệu vận tải được thực hiện trên Hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia, do đó toàn bộ CSDL quốc gia về cấp, đổi GPLX, cấp phù hiệu vận tải tiếp tục được công khai trên hệ thống.
Trong nông nghiệp, đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều ứng dụng chuyên ngành để phục vụ cho công tác chuyên môn như: Hệ thống webgis về CSDL chăn nuôi; Phần mềm cập nhật diễn biến tài nguyên rừng; Hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến của Cục Kiểm lâm; Phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật quốc gia; CSDL quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu...
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc