Multimedia Đọc Báo in

Người giữ sắc màu trang phục truyền thống

19:03, 09/01/2022

Mong muốn trang phục truyền thống sẽ còn hiện diện hằng ngày nơi quê hương mới, chị Đào Thị Si (SN 1983, thôn 15, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) vẫn miệt mài tạo nên nhiều bộ trang phục truyền thống cho đồng bào Mông đang xa quê lập nghiệp.

Những ngày này, chị Đào Thị Si đang tất bật thêu, may để kịp hoàn thành những bộ váy, áo cho bà con diện Tết. Mỗi ngày, chiếc máy dập li quay đều đều, tiếng máy khâu lạch cạch tạo nên không khí bận rộn, khẩn trương. Chị Si trải lòng: Năm 2014, chị bán hết trâu, bò, tài sản cùng chồng con từ Cao Bằng vào Đắk Lắk sinh sống với mong muốn có cuộc sống khấm khá hơn. Định cư tại xã Cư Kbang, nhận thấy ở đây có đông người Mông, nhu cầu được mặc trang phục của chính dân tộc mình lớn, đặc biệt vào dịp lễ, Tết, nhưng ở xã Cư Kbang lại chưa có ai may trang phục truyền thống. Sẵn có khiếu may vá cùng tình yêu văn hóa dân tộc, chị bàn với chồng quyết định vay mượn hàng trăm triệu đồng đầu tư máy móc, nguyên vật liệu làm dịch vụ may, thêu những bộ quần áo truyền thống phục vụ người dân trong vùng.

Chị Đào Thị Si bên gian nhà đầy màu sắc của trang phục truyền thống dân tộc Mông.

Dù chưa hề qua một trường lớp đào tạo nào về may vá, nhưng nhờ vào năng khiếu sẵn có, cộng với đam mê với nghề, và sự chỉ bảo từ các mẹ, các bà trước đó, chị Si đã tự nghiên cứu, mày mò, học hỏi thêm để thiết kế, tạo dáng cho các trang phục truyền thống của người Mông sao cho đẹp nhất, độc đáo và vẫn giữ được bản sắc dân tộc mình. Chị Si chia sẻ, trang phục của phụ nữ Mông rất sặc sỡ, với những gam màu nổi bật, có nhiều chi tiết như: khăn đội đầu, áo xẻ ngực, váy, xà cạp lưng, xà cạp chân... Trong đó, váy dập li luôn được nhiều chị em ưa thích. Họ không chỉ mặc váy dập li vào dịp lễ, Tết mà còn mặc lúc ở nhà hay lên rẫy. Những chiếc váy ấy khi bước đi tạo nhịp điệu xúng xính, đung đưa, làm cho hình ảnh cô gái Mông thêm đằm thắm. Để hoàn thành một bộ trang phục hoàn chỉnh mất rất nhiều thời gian, tùy vào họa tiết trên yếm và áo. Trong đó, khó và tốn công sức, thời gian nhất là thêu và xâu những họa tiết đính kèm. Người may phải thật tỉ mỉ và khéo léo để làm nên những bộ trang phục đẹp, với những đường thêu tinh tế, tạo nên họa tiết bắt mắt. Đối với những chiếc áo mà chị tâm huyết, có khi chị Si dành cả gần nửa tháng trời để tự mình hoàn thành.

Chị Đào Thị Si (bên phải) giới thiệu với khách bộ trang phục mới may xong.

Không chỉ may váy, áo, chị Si còn làm đa dạng sản phẩm như: mũ, túi, khăn… để phục vụ nhu cầu của người dân. Chị cũng sáng tạo, cách tân trang phục sao cho phù hợp, thuận tiện trong đời sống sinh hoạt, lao động và sản xuất. Nhờ sự tỉ mỉ, khéo léo và hơn hết là niềm đam mê, tâm huyết với nghề, sản phẩm do chị làm ra ngày càng chất lượng và được mọi người rất ưa chuộng. Những sản phẩm ấy giờ đây không chỉ để phục vụ cho bà con trong xã, mà còn được mang đi tiêu thụ ở các cửa hàng quần áo trên địa bàn huyện Ea Súp và các huyện khác như Krông Bông, M’Drắk… Nhiều khách hàng ngoại tỉnh cũng biết đến và đặt hàng với số lượng lớn. Bởi thế, chị đã thuê thêm 10 chị em trong vùng tranh thủ thời gian rảnh đến xâu hạt để đính kèm trên trang phục. Trung bình mỗi năm sau khi trừ hết chi phí, chị thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng.

Chị Đinh Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Kbang cho biết, xã Cư Kbang có rất đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hầu hết chị em đều sử dụng trang phục truyền thống trong đời sống sinh hoạt. Chị Đào Thị Si là người duy nhất ở xã còn giữ nghề may váy áo truyền thống, qua đó cũng đã tạo việc làm cho nhiều phụ nữ tại địa phương. Mới đây, chị Si đã đạt giải Ba trong cuộc thi “Ý tưởng, sáng tạo, khởi nghiệp huyện Ea Súp” năm 2021.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.