Quyền năng của sách
Khi đến một quốc gia nào đó, chỉ cần nhìn tỷ lệ người chăm chú đọc sách trên các phương tiện giao thông, nơi công cộng, thư viện, công viên… thì có thể cảm nhận chỉ số văn minh của quốc gia đó. Hay nói rộng hơn, một quốc gia hùng mạnh, giàu tầng thức văn hóa, dứt khoát phải là đất nước có tỷ lệ người dân mê đọc sách, văn hóa đọc ở một tầm rất cao.
Có thể lấy ví dụ như Israel, quê hương của người Do Thái – dân tộc vang danh với chỉ số IQ trung bình 110, nơi đã sản sinh cho thế giới những thiên tài như Albert Einstein, Karl Marx, Johann Strauss... là đất nước nổi tiếng với niềm đam mê đọc sách. Đất nước Trung Đông này có hai chỉ số về sách cao nhất thế giới là số lượng sách xuất bản theo đầu người cao nhất thế giới và số người trẻ đọc sách cao nhất thế giới. Thậm chí, họ còn đặt các cuốn sách ở nghĩa trang vì họ tin rằng các linh hồn sẽ tiếp tục đọc chúng.
Các em học sinh tham gia Ngày sách và Văn hóa đọc huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) năm 2023. Ảnh minh họa: Thúy An |
Sách có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền văn hóa của mỗi quốc gia là thế. Vậy nên, nói như nhà sử học Rebecca Knuth: “Phá hủy sách nghĩa là bạn đang phá hoại kẻ thù và hệ tư tưởng của họ”. Sách vở và thư viện đã nhiều lần trở thành mục tiêu cần tiêu diệt của con người thuộc đủ thành phần, giai cấp; từ Tần Thủy Hoàng “đốt sách, chôn Nho” thời trung cổ đến những đội quân phá hoại các kho tàng sách vĩ đại của nhân loại ở phương Tây thời hiện đại như chính quyền Hitler. Mới đây thôi, năm 2012, thủ thư Abdel Kader Haidara cùng đồng nghiệp khiến cả thế giới phải nghiêng mình khi đã cứu hơn 350.000 pho tư liệu quý từ 45 thư viện của đất nước Mali khỏi rắp tâm phá hoại của các phần tử cực đoan Al-Qaeda. Chủ trương đốt sách là hành động đáng khinh bỉ của những kẻ bạo tàn, bởi chúng đã góp phần kéo lui sự tiến bộ của loài người. Nhưng làm sao mà đốt được hết sách bởi sách và người viết sách luôn như quặng quý trong lòng đất; kể cả khi thế giới đang trong thời kỳ phát triển vũ bão của Internet, người đọc tiếp cận với các giá trị biểu tượng của sách vẫn được duy trì một cách mạnh mẽ.
Dù thế, nếu mỗi quốc gia, thậm chí mỗi gia đình không phát triển tình yêu sách và văn hóa đọc, khoảng cách giữa các thế hệ sẽ ngày càng dài ra. Chúng ta có thể thấy giữa bản thân mình và con cái trong việc lựa chọn, đọc sách đã khác xa trời vực.
Trong một báo cáo mới cập nhật, trong top 61 nước có người đọc sách nhiều nhất, Đông Nam Á góp mặt 3 nước và Việt Nam thì nằm ngoài danh sách này. Số tựa sách ở Việt Nam dù tăng trưởng rất nhanh, 30% trong vòng 5 năm nhưng cũng thời gian đó, tốc độ bán ra thị trường chỉ tăng 15%. Còn theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm; trong số đó có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn còn lại là thể loại sách khác. So sánh với Singapore, trung bình người dân nước này đọc 14 cuốn sách mỗi năm, người Nhật là 20 cuốn. Qua đó, có thể thấy việc đọc sách của người Việt Nam thấp hơn rất nhiều. Thế nhưng chúng ta lại có đến 70% người dân sử dụng Internet, nằm trong nhóm đầu thế giới.
Có thể nói, để phong trào đọc sách phát triển rộng khắp, văn hóa đọc sách được nâng tầm trong mọi người dân là một hành trình rất gian lao…
Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc