Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Đắk Lắk

03:48, 17/11/2023

49 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu trên vùng đất này.

Ngoài những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc tại chỗ còn có sự hiện diện văn hóa của các dân tộc đến từ nhiều vùng miền trong cả nước. Do vậy, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được cơ quan chức năng đặc biệt coi trọng.

Chính sách, giải pháp phù hợp

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã ban hành các văn bản, đề ra giải pháp nhằm triển khai kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ: Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Trong quá trình triển khai thực hiện đã có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được tổ chức, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân địa phương trong việc bảo vệ và phát huy di sản cũng như giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa.

Nghệ nhân buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) trình diễn thổi đing năm.

Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số cũng được quan tâm bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị. Các lễ hội truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán, nếp sống tốt đẹp của đồng bào đã và đang được tích cực nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và bảo vệ. Việc tổ chức hoặc phục dựng các lễ hội trên địa bàn được thực hiện theo nguyên tắc bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của từng cộng đồng dân cư theo hướng lành mạnh, tiến bộ và tiết kiệm; xây dựng các tiêu chí văn hóa mới hợp với không gian lễ hội và đời sống xã hội hiện đại.

Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực. Các nghị quyết của HĐND tỉnh về vấn đề này được cụ thể hóa qua các chương trình, kế hoạch giúp cho di sản được bảo vệ, thực hành tốt hơn và có những đóng góp vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng. Đơn cử như việc cấp chiêng, trang phục truyền thống về buôn làng; tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng; phục dựng nhiều nghi thức, nghi lễ gắn với văn hóa cồng chiêng...

Các nghệ nhân thử chiêng tại Lễ bàn giao chiêng và trang phục truyền thống năm 2023.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế, năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp nhận, triển khai thành công Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh do Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) tài trợ. Trong năm 2023, tiếp tục triển khai Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” tại một số địa phương trong tỉnh.

Coi trọng vai trò chủ thể di sản văn hóa

Kế hoạch số 13/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc của ba di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Khan (Sử thi) của người Êđê, Lời nói vần của người Êđê và Lễ mừng thọ của người M’nông.

Cụ thể, mở các lớp truyền dạy về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện bảo tồn, phát huy di sản gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng và tổ chức hoạt động các mô hình điểm về phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch cộng đồng, phát huy vai trò chủ thể di sản, thường xuyên tổ chức các hoạt động trình diễn di sản trong sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, trong các hoạt động du lịch văn hóa…

Phục dựng lễ hội cầu mưa tại buôn Ky, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia

Theo đó, trong năm 2023, ngành văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp tổ chức nhiều hoạt động liên quan. Đơn cử như tập huấn, truyền dạy về văn hóa phi vật thể tại buôn làng, phục dựng một số nghi lễ truyền thống của đồng bào Êđê, M'nông, Mường; triển khai nội dung liên quan hồ sơ di sản văn hóa Mo Mường đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đệ trình UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; triển khai các nội dung thuộc Dự án 6 (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025) nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh…

Trong năm 2024, ngành chức năng tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung trong Nghị quyết số 10/2021/NQ- HĐND về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022 - 2025; triển khai kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2024 - 2025; thực hiện các nội dung Dự án 6… để công tác này đạt hiệu quả cao, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Lại Đức Đại

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.