Lan tỏa tình yêu sách trong cộng đồng
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, văn hóa nghe - nhìn đang lấn dần văn hóa đọc. Nhằm lan tỏa văn hóa đọc, tình yêu sách trong cộng đồng, nhiều dự án, chương trình hay và ý nghĩa đang được thực hiện, đưa sách đến tận các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Đưa sách về vùng xa
Năm 2019, dự án “Thư viện về buôn” do Ban Quản lý Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột phối hợp cùng các đơn vị chính thức được triển khai. Để tạo nguồn cho dự án, Ban Quản lý Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột đã tổ chức Phiên chợ Xanh - Tử tế vào ngày thứ bảy và chủ nhật cuối của tháng. Các chủ gian hàng sẽ trích 10% lợi nhuận để góp mua sách. Ngoài ra, ban quản lý dự án còn tổ chức triển lãm ảnh, bán đấu giá tác phẩm gây quỹ và trích lợi nhuận từ hoạt động của Công ty Xã hội Bồ Công Anh để xây dựng nguồn kinh phí cho dự án.
Anh Phạm Thanh Tuấn, người khởi xướng Dự án “Thư viện về buôn” chia sẻ: “Thư viện về buôn” là một dự án phi lợi nhuận được thực hiện nhằm mục đích lan tỏa văn hóa đọc với quan điểm “sách phải được mang đến nơi cần sách”. Dự án đã phối hợp với Thư viện lưu động tỉnh Đắk Lắk đi đến các trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa tặng sách và cơ sở vật chất, cũng như tổ chức các hoạt động trải nghiệm xoay quanh không gian đọc sách như: cờ vua, nặn tò he, vẽ tranh, tái chế chai nhựa, trò chơi dân gian… Đến nay đã có 30 điểm trường được dự án triển khai với khoảng 9.000 đầu sách được gửi tặng và khoảng 2.100 trẻ hưởng lợi từ dự án.
Học sinh Trường THCS Ea Tul (huyện Cư M’gar) đọc sách tại Ngày hội văn hóa đọc ở trường. |
Anh Tuấn cho biết, sau hai năm triển khai dự án, anh nhận ra cứ cho sách hoài chưa hẳn đã mang lại hiệu quả. Bởi khi hỏi trẻ lựa chọn giữa sách - kẹo - đồ chơi, đa phần trẻ chọn đồ chơi. Bởi thế, đến năm 2021, dự án “Thư viện về buôn” được chuyển thành dự án “Sân chơi cho em”, tổ chức xây dựng sân chơi tại các trường học ở những vùng sâu, vùng xa. Mỗi điểm sân chơi, dự án cũng sẽ dành tặng một tủ sách cộng đồng cho học sinh. Từ việc có sân chơi để trẻ tích cực đến trường, việc hình thành tủ sách ở mỗi lớp học sẽ giúp trẻ tiếp cận dần dần với sách. Tuy vậy, điều quan trọng không phải sự hiện diện về mặt hữu hình của sách mà là giá trị sách được truyền tải. Tức là cần người yêu sách, yêu trẻ và truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ tại mỗi địa phương, đó là một vấn đề phải cần thời gian để hình thành.
Nhân lên những chương trình ý nghĩa
Nhiều năm trở lại đây, cứ vào cận kề Tết Nguyên đán, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như: Cư M’gar, Krông Bông… đã tổ chức chương trình “Lì xì sách cho thiếu nhi”. Đến với chương trình, không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng có thể tham gia chọn cuốn sách yêu thích của mình. Anh Mai Văn Chuyền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Vì đàn em thân yêu, Phó Chủ nhiệm CLB Tổng phụ trách Đội huyện Cư M’gar cho biết, chương trình được tổ chức với mong muốn truyền tải thông điệp “Trao cho trẻ một quyển sách là bạn đã thay đổi thế giới” đến tất cả mọi người, đặc biệt là phụ huynh học sinh. Qua đó nhằm khơi dậy niềm yêu thích đọc sách cho thiếu nhi, kích thích sự say mê nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo ở trẻ... Đây cũng là món quà ý nghĩa, giúp các em thư giãn trong những ngày nghỉ Tết thay vì vùi đầu vào ti vi hay điện thoại thông minh.
Học sinh Trường THCS Ngô Mây (huyện Cư M'gar) tham gia đọc sách tại ngày đón nhận dự án "Thư viện về buôn". Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Theo anh Chuyền, năm 2021, số lượng sách được lì xì là hơn 400 đầu sách thì đến năm 2022, gần 1.000 đầu sách đã được lì xì đến học sinh và người dân trên địa bàn. Đó là tín hiệu hết sức đáng mừng khi nhiều người đã quan tâm đến sách hơn.
Mong muốn lan tỏa tình yêu sách, xây dựng văn hóa đọc, nhiều tủ sách cộng đồng được xây dựng tại địa phương cũng mang đến một không gian mở, giúp học sinh tiếp cận với sách dễ dàng thoải mái hơn. Đơn cử như “Tủ sách nhân ái, ngôi nhà trí tuệ” ở xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar). Tủ sách ở đây có hơn 1.000 đầu sách như một “thư viện thu nhỏ” với đủ thể loại như: sách thiếu nhi, truyện tranh, sách kỹ năng sống, lịch sử, khoa học… giúp học sinh và cả phụ huynh thoải mái đến đọc hoặc mượn mang về. Em Võ Khánh An (học sinh Trường THCS Phan Đình Phùng, huyện Cư M’gar) chia sẻ: “Mỗi cuối tuần cả ba chị em trong gia đình lại cùng nhau đến đây để lựa chọn cuốn sách yêu thích để đọc hoặc mượn mang về. Em cảm thấy vô cùng thích thú, luôn mong thật nhanh đến ngày cuối tuần”.
Còn chị Cao Thị Hải (thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp) cho hay, chị thường xuyên đưa đón con gái đến “Tủ sách nhân ái, ngôi nhà trí tuệ”, trong lúc chờ con đọc sách hay tham gia lớp học tiếng Anh miễn phí tại đây, chị cùng một số phụ huynh lại tranh thủ tham gia đọc sách, qua đó thu nhận được nhiều điều bổ ích. Tại xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar) tủ sách cộng đồng cũng được xây dựng tại “Lớp học tình thương” ở buôn Ea M’droh với hơn 500 đầu sách đủ thể loại giúp các em trên địa bàn tiếp cận dễ dàng hơn với sách thông qua việc đến đọc hoặc mượn sách mang về.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc