Multimedia Đọc Báo in

Để tròn vai người đại biểu dân cử

16:32, 21/05/2021

Cam kết chung của các ứng viên trước khi được cử tri bỏ phiếu bầu chọn làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đó là luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri, tổng hợp và tích cực phản ánh ở nghị trường Quốc hội cũng như kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của tỉnh.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đã đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn, thể hiện rõ nét vai trò, tiếng nói của người đại biểu dân cử.

Mang "hơi thở" cuộc sống đến nghị trường

Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia 72 buổi thảo luận tại tổ và 356 buổi thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, 12 buổi thảo luận riêng tại Đoàn. Bên cạnh đó, các vị ĐBQH trong Đoàn đã nêu 35 câu hỏi chất vấn trực tiếp tại hội trường và gửi câu hỏi chất vấn bằng văn bản đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương liên quan đến các lĩnh vực, vấn đề bức xúc tại địa phương như: việc giao đất, cho thuê đất, khoán sản phẩm tại các nông, lâm trường; chế độ chính sách đối với người có công, cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn, buôn, tổ dân phố; việc quản lý chất lượng các công trình giao thông; tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản; giải pháp hạn chế tình trạng di dân ngoài kế hoạch; giá cả các mặt hàng nông sản không ổn định.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Đắk Lắk Y Biêr Niê trả lời ý kiến cử tri huyện Krông Ana  tại Hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.  Ảnh: Duy Tiến
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Đắk Lắk Y Biêr Niê trả lời ý kiến cử tri huyện Krông Ana tại Hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Duy Tiến

Nổi bật như Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ĐBQH tỉnh khóa XIV đã có 105 lần phát biểu ý kiến trước các diễn đàn Quốc hội về các lĩnh vực gắn với tình hình tỉnh Đắk Lắk như: đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột – Tuy Hòa; xây dựng cửa khẩu Đắk Ruê; việc thực hiện chính sách người có công, việc làm cho thanh niên, xóa đói giảm nghèo, chế độ lương và tuổi lao động; đầu tư công nghệ chế biến sâu và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp; công tác phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm...

Hay như ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh khóa XIV cũng đã tích cực phát biểu, tranh luận, chất vấn, đề nghị quan tâm đầu tư các công trình chống hạn, bảo đảm nước tưới cho sản xuất; xây dựng đường giao thông, cơ sở hạ tầng, sớm giải quyết vấn đề đất đai nông lâm trường cũng như các chính sách khác nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Tạo nhiều dấu ấn

Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động, chủ trì phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức 11 cuộc giám sát chuyên đề tại địa phương và tham gia 6 cuộc giám sát của Trung ương tại địa phương. Các chuyên đề giám sát của Đoàn liên quan đến các vấn đề: Việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, hoa màu, cây trồng trên đất bị thiệt hại khi triển khai xây dựng Dự án thủy điện Buôn Kuốp; đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016; quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011- 2016; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới...

Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức họp báo về kỷ niệm 75 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 - 6-1-2021).
Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức họp báo về kỷ niệm 75 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 - 6-1-2021).

Trên cơ sở những bất cập được phát hiện sau giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã gửi 108 kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương. Những nội dung kiến nghị có tầm chiến lược, vĩ mô cần có thời gian thực hiện đã được cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, quyết định của các bộ, ngành Trung ương. Cụ thể như: bổ sung quy hoạch, đầu tư xây dựng cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa; Dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2026 về nâng cấp, mở rộng các tuyến đường quốc lộ đi qua tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết 88/2019/QH14, ngày 18-11-2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030...

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.