Multimedia Đọc Báo in

Từ thiện bằng… trao giọt máu đào

06:23, 03/03/2021

“Người khác hiến máu được, sao mình không thử. Hiến máu nhân đạo cũng là việc thiện…”, đó là suy nghĩ của thầy Y Đhok Du (dân tộc M'nông), giáo viên môn Hóa - Sinh Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu ở xã Cư Huê (huyện Ea Kar).

Lật từng Giấy chứng nhận hiến máu nhân đạo, thầy Y Đhok Du có đến 18 lần hiến máu. Với thầy, mỗi lần hiến máu là một kỷ niệm, thêm niềm vui giúp ích cho đời. Nhớ lại lần hiến máu đầu tiên vào năm 2013, thầy Y Đhok Du không khỏi bồi hồi, tại thời điểm đó, phong trào hiến máu chưa sôi nổi, người đi hiến rất ít, đồng bào dân tộc thiểu số càng hiếm hơn. Ngẫm, người khác hiến máu được sao mình không thử, thầy Y Đhok Du gạt nỗi sợ hãi, đăng ký tham gia. “Hôm ấy, tôi lên lớp dạy xong một tiết rồi mới sang chỗ tổ chức hiến máu. Tôi khá hồi hộp song nhìn sang người kế bên cảm giác bớt lo hơn. Hiến đủ một đơn vị máu, về nhà tôi thấy mình vẫn khỏe mạnh nên tiếp tục tham gia", thầy Y Đhok Du nhớ lại.

Thầy giáo Y Đhok Du (bìa trái) cùng vợ con nhiều lần tham gia hiến máu nhân đạo.
Thầy giáo Y Đhok Du (bìa trái) cùng vợ con nhiều lần tham gia hiến máu nhân đạo.

Với thầy Y Đhok Du hiến máu cũng là việc thiện, không có tiền thì mình giúp người, giúp đời bằng giọt máu. Từ đó, thầy Y Đhok trở thành tuyên truyền viên về hiến máu tình nguyện để vận động người thân, đồng nghiệp và người dân trong buôn cùng tham gia.

 
"Mỗi năm, huyện Ea Kar tổ chức từ 1 - 2 đợt hiến máu nhân đạo, lần nào số lượng máu thu được cũng vượt chỉ tiêu  đề ra. Năm 2020, huyện Ea Kar thu được 1.370 đơn vị máu, vượt 142% kế hoạch. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động đã đưa phong trào hiến máu nhân đạo phát triển sâu rộng tới tận buôn làng vùng sâu".
 
Bà Trần Thị Châu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Ea Kar

Vợ thầy Y Đhok Du là chị Nguyễn Thị Hương M’lô thường xuyên theo chồng đến các điểm hiến máu tình nguyện, nên càng hiểu hơn ý nghĩa của phong trào này. Năm 2014, chị Hương xung phong hiến máu, đến nay đã trên 10 lần cho máu. “Biết tôi đăng ký hiến máu, nhiều người đã khuyên không nên cho máu vì sẽ thiếu máu, người ốm đi và dễ bị bệnh… song tôi vẫn khỏe mạnh, vẫn làm việc bình thường. Buôn M’Hăng - nơi gia đình tôi sinh sống có người đi hiến máu nhưng không lấy được vì sức khỏe không tốt. Tôi sẽ hiến máu đến khi nào không hiến được nữa mới thôi”, chị Hương cho hay.

Hai con của vợ chồng thầy Y Đhok cũng nhiệt tình tham gia hiến máu. Trong đó, người con trai đầu là Y Nhị Thần Du xung phong hiến máu từ khi còn là học sinh lớp 12, đến nay đã 6 lần tham gia. Người con gái H’ Nhật Linh Du (đang là sinh viên ở tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng hiến máu nhiều lần.

Cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Ea Kar trao đổi cách thức tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo.
Cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Ea Kar trao đổi cách thức tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo.

Ông Phan Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cư Huê cho biết, thầy  Y Đhok là người M’nông tham gia hiến máu nhiều nhất xã. Gia đình thầy là tấm gương tiêu biểu về phong trào hiến máu nhân đạo. Nhờ những tấm gương tiêu biểu như gia đình thầy giáo Y Đhok, xã Cư Huê trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu của huyện về phong trào hiến máu. Để người dân tích cực hưởng ứng, cán bộ vận động hiến máu của xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua văn bản, cuộc họp, loa đài, trực tiếp đến từng nhà dân. Chính quyền xã luôn chú trọng việc tuyên dương những cá nhân, gia đình, tập thể hiến máu tiêu biểu để truyền cảm hứng, lan tỏa phong trào ý nghĩa đến toàn dân.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.