Multimedia Đọc Báo in

Hiểm họa từ việc trẻ em tắm kênh, hồ

09:12, 11/07/2021

Mùa hè, trời nắng nóng ngột ngạt khiến nhiều trẻ em trên địa bàn huyện Ea Súp rủ nhau tắm, bơi lội dọc các tuyến kênh thủy lợi và các khu vực hồ chứa nước, tiềm ẩn nguy cơ cao về đuối nước.

Hằng ngày, vào thời gian từ 8 - 11 giờ sáng và 14 - 18 giờ tại các khu vực kênh chính đông và kênh chính tây của huyện Ea Súp có rất đông người, trong đó hầu hết là trẻ em, tụ tập tắm mát, bơi lội. Không áo phao, không người lớn đi kèm, không có kỹ năng bơi lội nhưng các em vẫn vô tư nô đùa, đùn đẩy, kéo nhau dưới nước; thậm chí nhiều em còn vô tư leo trèo trên những đường ống hai bên cầu, nhào lộn từ trên cầu xuống kênh rất nguy hiểm.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn huyện Ea Súp đã xảy ra 4 vụ đuối nước làm 5 người chết; trong đó 1 vụ xảy ra ở xã Ea Rốk, 2 vụ ở xã Cư Kbang, 1 vụ ở xã Ea Bung. Điển hình như vụ việc xảy ra mới đây vào khoảng 13 giờ ngày 26-6, cháu Trần Văn Th. (học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Ea Bung) ra đoạn kênh trước nhà để tắm và không may bị đuối nước tử vong.

Các em nhỏ tắm kênh tại khu vực thôn 1, xã Ea Bung, không có sự giám sát của người lớn.
Các em nhỏ tắm kênh tại khu vực thôn 1, xã Ea Bung, không có sự giám sát của người lớn.

Theo báo cáo từ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ea Súp, có tới 84% trẻ bị đuối nước trên địa bàn huyện do không biết bơi lại thường chơi đùa gần khu vực ao, hồ, sông... thiếu rào chắn an toàn; 41,9% trẻ tử vong do không được trang bị áo phao và thiết bị cứu hộ khi đi trên các phương tiện đường thủy. Tuy nhiên, hiện nay việc dạy bơi ở trẻ em tại huyện Ea Súp chủ yếu là tự phát, trẻ học bơi từ cha mẹ, anh chị em hoặc bạn bè khi xuống sông, ao tắm. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu bể bơi, thiếu những kỹ thuật bơi căn bản nên khi gặp những trường hợp bất ngờ, nguy hiểm trẻ thường lúng túng, không biết xử trí dẫn đến tử vong.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Ea Súp đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương chú trọng tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh đuối nước trẻ em, nhất là ở những vùng khó khăn, có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao. Các địa phương rà soát, bổ sung các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn tại các khu vực có nguy cơ đuối nước cho trẻ em; khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư xây dựng bể bơi phục vụ dạy bơi cho học sinh. Mặt khác, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, cấp giấy phép và quy định các điều kiện an toàn tại bể bơi; xây dựng “chương trình bơi an toàn”, dạy bơi cho trẻ em tại cộng đồng và trường học; nhắc nhở, tuyên truyền trẻ sử dụng phao khi tham gia các hoạt động vui chơi trong môi trường nước; tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em trong thời gian học sinh nghỉ hè; triển khai nhân rộng mô hình "Ngôi nhà an toàn", "Trường học an toàn", "Cộng đồng an toàn" phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em…

Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Kiều Oanh, Phó Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ea Súp cho biết, để phòng chống tai nạn đuối nước, bên cạnh sự quan tâm của các nhà trường, cơ quan chức năng còn cần sự quan tâm, thường xuyên giám sát chặt chẽ con em của gia đình; nhất là giáo dục, giám sát không để trẻ ra chơi tại các kênh thủy lợi, hồ nước vào những ngày nắng nóng…

Trang Vũ


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.