Multimedia Đọc Báo in

Nói gì đi chứ, tuổi thơ

21:11, 31/05/2013

Ai đó nói cuộc đời là những cuộc tiễn đưa, nghe có vẻ sáo rỗng, tuềnh toàng nhưng nghiệm lại cũng không hoàn toàn là sai. Trong cuộc đời chúng ta không ai là không một lần làm người đưa tiễn người thân, người thương hay bạn bè. Tôi muốn nói đến cuộc chia tay của tôi và em

Chúng tôi thân nhau từ bé, hai gia đình chung nghề nông nên công việc của tôi và em cũng na ná như nhau. Mùa hạ cũng thường leo hái những quả bần chua chua chát chát, phụ mẹ gom rơm đốt đồng hay chia nhau từng tiếng cười qua những trò chơi trẻ con.

Em cột tóc bím thắt nơ bằng dây cao su. Những sợi cao su xanh đỏ tím vàng mà tôi chắt chiu cất giữ từ những gói hàng nho nhỏ mà mẹ đi chợ mua về. Ngày ấy, dây cao su khan hiếm và đắt đỏ chứ không như bây giờ. Người quê thường buộc hàng bằng dây chuối, dây lạt… là những thứ dây mà vườn nhà nào cũng có và hầu như không ai nghĩ đến giá trị vật chất của nó do chỉ tốn chút xíu công là ra vườn nhặt bẹ chuối khô rồi tước ra.

Mỗi lần tôi đưa cho em những dây cao su đủ màu sắc đó, em thích lắm, cười tươi như hoa bìm bìm chớm nở dưới ánh nắng ban mai tươi hồng. Em cất những dây cao su ấy vào túi rồi ghim kim băng cẩn thận, níu tay tôi ù chạy ra sân làng xem em và các bạn em thi nhau làm công chúa. Những lúc ấy tôi luôn hăng hái đi hái hoa cho em cài đầu. Hoa tôi hái thường là những loài hoa lạ, không tên, mọc phía bên kia sông nên em luôn là người chiến thắng. Rồi bạn em cũng nhờ người sang bên ấy hái hoa thì cuộc thi cô dâu đẹp nhất của em càng trở nên khó khăn hơn nhiều. Để em chiến thắng, không còn cách nào khác tôi đành hái trộm hoa cha trồng để tặng em. Đó là sự cống hiến tuyệt vời mà phần đau đớn luôn thuộc về tôi vì những trận đòn roi khi cha bắt gặp. Tôi không hối hận về những việc mình làm, những việc mà người lớn cho là ngu muội bởi tôi mến và sẵn sàng hy sinh vì em. Có rất nhiều trò chơi tuổi thơ mà chúng tôi đem trải ra khắp mùa hè cũng không hết. Rồng rắn lên mây, ô ăn quan, tạt lon, banh tù, trồng hoa trồng nụ, đánh đáo, bắn bi, bịt mắt bắt dê, đá dế, đá cỏ sâu róm, bọ ngựa chém gió…hay hái lá chuối làm ô che mưa cũng rất vui và thích mà ít người  dám thưởng thức. Mùa hè của tuổi thơ chúng tôi là những ngày vui tưởng chừng như bất tận.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Tựu trường tôi đèo em trên chiếc xe đạp cà khổ của mình. Tôi đón em ở mãi tít đầu làng, nơi không có những ánh mắt khắt khe của người lớn. Tôi và em nào đã biết yêu là gì  nhưng người lớn vẫn cứ canh chừng. Họ lo sợ vu vơ, lo sợ cái tuổi chơm chớm dậy thì  ăm ắp nhạy cảm của em.

Có gì ở tuổi lớp sáu, lớp năm ? Chẳng có gì. Có chăng là tôi nghĩ mai mốt nhất định em sẽ là một cô gái đẹp bởi em có đôi mắt đen lay láy, riềm mi cong cong và nụ môi như như đóa hoa hồng. Với khuôn mặt trái xoan khả ái, má phúng phính ngây thơ em làm tôi ngất ngây khi em giận dỗi hay vui cười. Với tôi em giận hay vui gì cũng đẹp.

Sẽ là đáng trách xiết bao nếu ai đó nói mình không có tuổi thơ nhưng sẽ rất cảm động khi biết tuổi thơ của họ là chuỗi ngày đau thương, vất vả. Không cha mẹ, người thân tuổi thơ của họ gắn liền với xó chợ đầu đường, với manh áo rách tả tơi. Đem tuổi thơ đổi lấy cơm thừa, canh cặn thì tuổi thơ chẳng còn lại gì. Còn chăng là trầm ngâm, suy tư, tủi phận.

Tôi cũng có một người bạn thuở thiếu thời như thế. Bạn thèm lắm tuổi thơ của chúng tôi. Chạy nhảy tung tăng theo mùa hè, ra sông ôm thân chuối làm phao tập bơi hay ra giữa đồng đón gió thả diều. Bạn thích lắm khi cùng chúng tôi đào hang bắt dông. Những con dông có hình dạng như tắc kè nhưng to và hiền hơn nhiều. Thịt dông nướng ăn ngọt như thịt gà. Đó cũng là trò chơi mà tôi và bạn đóng vai người chồng lao động vất vả, còn em và bạn em giả làm vợ với công việc nội trợ đảm đang. Chúng tôi chọn một gốc cây cổ thụ có tán lá sum suê làm mái nhà của mình. Bữa ăn đạm bạc chỉ với sắn luộc và dông nướng chấm muối ớt nhưng ngon đến tận bây giờ. Ăn uống no nê, cười đùa thỏa thích rồi lăn ra ngủ dưới đất cát mà vẫn thấy êm đềm.

Cũng trò chơi ấy nhưng chúng tôi chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như câu cá, xúc tép hay lội ruộng bắt ốc, mò cua. Cá thì nướng hay nấu với rau tập tàng, tép thì rang, ốc cua thì luộc với lá sả lá gừng. Món nào cũng được, thứ nào cũng sẵn, miễn là trước đó chúng tôi chuẩn bị công cụ đánh bắt thật chu đáo. Xúc tép phải có rổ hơi thưa, thưa quá thì tép sổng mất. Mò cua phải có nghề, không thì bị nó kẹp đến chảy nước mắt. Vui nhất là lội ruộng bắt ốc. Mặt mũi áo quần đứa nào cũng bùn sình lấm lem. Khi ốc đã nhiều, kéo nhau ra sông tồng ngồng tắm rửa. Phơi áo trên cỏ, đốt lửa nấu bữa ăn cho cả “ gia đình “. Hồn nhiên, dễ thương đến nhớ hoài. Giờ gặp chắc ngượng ngùng phải biết.

Có nhiều hôm như thế nhưng vắng bạn, tôi và em đạp xe cà khổ của mình đem dông nướng và muối ớt ra chợ trao cho bạn. Bạn vui lắm, mắt rưng rưng. Chúng tôi ngồi bệt đâu đó, cùng ăn, cùng bàn chuyện dưới bể trên trời hay tựa lưng vào nhau chia nhau những giọt nước mắt khi nghe chuyện bạn bị người ta hành hạ đánh đập. Chẳng cần biết bạn đúng hay sai, chúng tôi hùa nhau chửi bới họ thê thảm nhưng cũng chỉ ba đứa nghe thôi. Nhìn bạn thương lắm nhưng chúng tôi đâu dám đưa bạn về nhà, chúng tôi sợ cha mẹ đánh đòn. Tôi đợi khi nào cha mẹ vui sẽ dò la xem ý cha mẹ trước đã.

Sân trường quả là chật hẹp cho những yêu thương nhưng lại rộng thênh thang đường đưa lối tiễn. Em xa tôi khi phải theo cha mẹ lên thành phố. Tôi hụt hẫng đi về trên lưng con ngựa sắt cà khổ của mình. Thật là vô duyên khi tôi ganh tị với bạn. Bạn tuy côi cút nhưng mà hạnh phúc bởi bạn không phải làm người đưa tiễn, không buồn rầu như tôi khi mà mùa hè bỗng rộng thênh thang còn tôi thì bơ vơ, lạc lõng. Những món ăn em nấu đã thành kỷ niệm tuy chẳng thể nào ngon nhưng tôi nhớ hoài, bởi chút muối, chút đường, chút hạt nêm qua bàn tay em đã thành vị thương nhớ.

Với tôi đó là một kỷ niệm đẹp nhưng buồn dù năm ấy tuổi tôi chỉ mới mười ba. 

Lý Thị Minh Châu


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Mắt người điên
16:43, 27/05/2013
Nước mắt
23:13, 24/05/2013
Tình nghĩa
15:58, 24/05/2013
Ngọt ngào tuổi thơ
15:17, 18/05/2013
Vũ điệu mưa
23:43, 03/05/2013
(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.