Multimedia Đọc Báo in

Hôm qua trời lất phất mưa…

14:31, 21/02/2015

Con bé Nhu gọi điện cho tôi bằng số máy điện thoại lạ hoắc. Lúc 12 giờ trưa. Giọng nó ráo hoảnh. Cô khỏe không cô? Lâu lắm con không liên lạc gì với cô hết. Đôi lúc con nghĩ mình đã quên cô rồi. Nhưng mà sao con quên cô nổi. Cô đã lấy chồng chưa vậy? Chưa Nhu. Tôi trả lời nhẹ bẫng. Nhưng sao lạ vậy cô? Cô đẹp vậy mà. Cô không thấy ở một mình lâu và tẻ nhạt lắm sao? Ừ, chắc cô quen rồi. 

Rồi cúp máy. Đi nấu cơm. Ăn cơm. Dọn dẹp và ngủ luôn một giấc tới chiều. Chỉ có điều cả đêm tôi không ngủ được. Tự dưng miên man nghĩ đến con bé Nhu. Lúc nào nó cũng gọi tôi bằng cô xưng con bằng cái giọng trong trẻo ngọt xớt. 

Cửa hàng bán sách của tôi được dựng lên trước cổng trường cấp ba D.A sau một thời gian tiệm sang tên đổi tới gần chục chủ. Trước đó là nơi bán quần áo thể thao rồi thời trang tuổi học đường, tiệm Internet… đến phiên tôi thì chị chủ nhà có gương mặt mệt mỏi và buồn thườn thượt cho mướn với cái giá rẻ bèo. Tôi mở quầy mua và bán sách báo cũ - mới đủ loại. Cửa hàng vốn ít. Một khuôn mặt lành lành. Và cái gì cũng ngơ ngác. Việc buôn bán cũng chẳng khả quan là mấy. Chỉ có điều mỗi ngày tôi có thể ngồi cả ngày trước quán, dưới gốc cây móng bò thưa thớt lá nhưng tới mùa hoa nở tím rợp trời. Tôi đọc mọi thứ vớ được.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Con bé Nhu quen tôi cũng vì lý do nó hay đến tìm mua sách. 

Cô. Có sách nào dạy phụ nữ biết cách thể hiện sức hấp dẫn của mình với đàn ông không vậy? 

Cháu mua cho ai?

Ai không quan trọng. Nếu có cô bán cho con. Con nghĩ sách cũ sẽ có nhiều cuốn hay mà rẻ hơn sách mới nên con hỏi vậy. 

Con bé lễ phép. Nói năng nhỏ nhẹ nhưng có vẻ cay cay. Tôi thử lục tìm cho nó nhưng không có quyển nào đúng ý. Con bé ngồi yên lặng trên ghế bố đặt ngoài cửa quán nói vọng vào. Vậy cô bán sách gì? Có nhiều sách tham khảo các môn nè con. Toàn sách hay không à. Hay con tìm cuốn khác nhé. 

Dạ thôi. Có cuốn sách nào như con nói thì để dành cho con. 

Con bé đứng dậy dứt khoát như khi nó bước vào cửa quán. Tự dưng tôi thấy buồn buồn. nhìn con bé trong trẻo nhưng cách nói chuyện có vẻ chua chát sao đó. Rồi cả buổi chiều cứ vướng vất cái khoát tay hờ hững của con bé ban sáng. Cũng không hiểu vì sao. 

Tôi không mấy bận rộn với cửa hàng sách cũ nên cũng thấy nhàn rỗi. Mỗi khi nhàn rỗi, tôi đọc sách, làm vài việc linh tinh không rõ tên tuổi. Bây giờ tôi thường tán dóc với người đàn ông chạy xe ôm hay đậu xe ở mé cửa tiệm. Lý do cũng rất đơn giản. Một buổi sớm mai tôi quét nhà, nhìn ra gốc cây móng bò, hoa tím rơi đầy sân, hoa rơi cả lên chiếc áo bạc phếch của người lái xe ôm. Người ấy vẫn để mặc kệ hoa vương trên tóc trên áo và thản nhiên nhìn ra đường người xe nườm nượp bằng con mắt chờ đợi rất thực tế.

Con bé Nhu lại đến. Nó đến đúng lúc tôi đang ngẩn ngơ nghe thơ của gã xe ôm. Nó nhìn tôi chằm chằm. Cô. Cô nói chuyện với ông ấy vậy cô có biết gì về gia đình ổng không? Để làm gì, cô đâu có nói chuyện, cô nghe ổng đọc thơ thôi mà. Đàn bà con gái hay bị khuất phục trước thơ ca đàn đúm lắm đó nha cô. Trời đất. Nó làm như tôi còn nhỏ lắm vậy. Nó gọi tôi bằng cô mà giống như đang dạy đứa em gái đang đến tuổi yêu không bằng. Nhìn cái kiểu nhăn nhăn mày của con bé tôi đâm chột dạ. Không lẽ mình cũng nhẹ dạ như đám đàn bà con gái trong suy nghĩ của con bé Nhu. 

Thực ra hình như nó nói có phần đúng. Tôi thấy cảm tình ghê gớm với anh chàng xe ôm ở trước cửa tiệm. Mà tôi cũng thích cái kiểu hất tóc khi đội mũ bảo hiểm - cái mũ gọn gàng, mới mới chứ không trầy xước mà mấy ông xe ôm hay chụp đại lên đầu khách. Rồi ngày nào không thấy anh ta ra đó là trống trải đến độ muốn đóng cửa. Ngày nói chuyện năm ba phút, toàn những câu chuyện vô thưởng vô phạt nhưng cũng đủ làm tôi thấy ngày hôm ấy sao dễ thương quá đỗi. Cô nè, không phải con không liên quan gì đến chuyện của cô mà con nhiều chuyện đâu nghen. Chị hai con cũng yêu người ta, rồi về ở với người ta chán chê rồi mới biết người ta vợ con đề huề hết trơn rồi. Bởi vậy mà nhìn đâu con cũng thấy sợ hết trơn à. Chứ không lẽ đàn ông ai cũng vậy. Con đâu biết. Thì con cảnh giác giúp cô vậy thôi chứ con có nói gì đâu. Con bé chọn một cuốn sách nấu ăn, trả tiền rồi ngúng nguẩy đi về, khi đi ngang mặt anh chàng xe ôm nó còn ráng liếc một cái sắc lẻm. Từ trong tiệm, tôi nhìn thấy mà bật cười thành tiếng. Con bé dễ thương gì đâu. 

Chiều hôm đó, lúc chập choạng tối đi mua bún chay cho má, khi dừng xe ở đèn đỏ gần ngã sáu, tôi nhìn thấy anh chàng lái xe ôm đang chở một cô gái tóc ngắn. Tôi đứng sững. Lúc đèn đỏ bật lên, tôi thấy choáng váng khi cô gái vòng qua eo anh chàng trong mơ của tôi và cười khúc kha khúc khích. Họ rất vui vẻ. Và tôi nghĩ lại lời con bé Nhu. Thấy nhói lòng vì nó nói không sai một chút nào. 

Ba ngày sau tôi nói với con bé Nhu. Bữa trước cô thấy anh chàng xe ôm làm thơ chở cô gái tóc ngắn tình lắm Nhu à. Sao cô không nghĩ đó là khách của ổng thôi. Trời đất, tôi tưởng nó sẽ nhảy lên và bảo đó đó cô thấy chưa, con nói làm sao mà sai được. Đàn ông ai cũng giống ai hết. Cô ngây thơ thiệt là ngây thơ.  Rõ ràng thái độ bình thản của nó làm tôi chưng hửng.

Cũng không hiểu vì sao một thời gian sau đó anh chàng xe ôm không thấy đứng ở đó nữa. Có lẽ anh ta tìm được gốc cây nào đó có được nhiều khách hơn. Hôm đầu tiên không thấy anh ta nữa, con bé Nhu nhìn tôi dò xét. Chuyện tình kết thúc rồi hả cô? Trời đất ơi con nhỏ này. Chuyện tình gì mà chuyện tình. Mày đọc tiểu thuyết tình cảm sướt mướt hoài rồi nhìn đâu cũng thấy chuyện tình chia ly hết vậy hả? Dạ không phải. Con nghĩ cô có tình cảm với ông đó đó. Con bé bật cười khanh khách. Tôi cũng cười. Nó không biết rằng toe toét với nó nhưng lòng tôi như xát muối. Mà thôi. Coi như không có duyên có phận với nhau là cùng chứ gì. 

Chị dâu tôi bảo sao không làm đại lý vé số cho chị. Mà ăn thua gì, cô làm chân rết đề đóm cho chị, bảo đảm không mấy khi cô giàu lên cho mà coi. Đến lúc đó không bán sách cũ nữa mà mở cửa hàng to đùng, nhân viên, khách khứa ra vào ùn ùn cho mà coi. Tôi không thích bận rộn, nhưng tiệm sách cũ của tôi cũng chẳng có việc gì để làm. Vậy là tôi chung vốn, đặt thêm cái bàn bán vé số mé bên phải cửa hàng, giăng biển, ngồi lọt thỏm sau tủ kính. 

Nhưng con bé Nhu không thích tôi làm chuyện đó. Nó nhíu mày. Cô đâu có hợp với cái việc này. Vậy cô hợp với việc gì kiếm ra tiền, con nói thử coi. Con không biết, nhưng nhìn cô ngồi thu lu sau tủ kính, con thấy tồi tội làm sao đó. Trời đất, con nhỏ chuyên đi lau nhà dọn dẹp theo giờ mà nói chuyện nghe giống tiểu thư. Cũng phải, nghe đâu cậu chủ thích nó, bữa nào nó tới lau nhà cậu cũng chạy về nhà giữa giờ làm việc cho nó khi 50.000 đồng khi 100.000 đồng. Cậu nói Nhu không lấy anh buồn. Con người anh làm việc gì cũng vì người khác. Nhu cười cười. Không chừng mai mốt con làm bà chủ nhỏ đó nha, vậy là đổi đời. Cũng như nhiều ca sĩ người mẫu từng là người bán trái cây, làm mướn đó thôi. 

Tôi không biết là người ta biết cách đổi vé số cũ lấy vé số mới, cũng không biết có một ngày sớm mai chị dâu tôi mất tích khỏi nhà mang theo toàn bộ tiền bạc của anh trai cũng như tiền góp vốn của cả dòng họ. Chị tử tế để lại lá thư xin lỗi lót dưới ly sữa tươi uống hơn phân nửa. Tôi cũng không biết có hôm trời sụt sùi mưa mưa nắng nắng, con bé Nhu ngồi thu lu ở chiếc ghế bố mà nó vẫn bảo tôi ngồi đó nhìn sao mà tội nghiệp. Nó bảo từ nay không lau nhà cậu chủ đẹp trai nữa rồi. Sao vậy cưng. Bây giờ làm bà chủ con nên thuê người khác hả. Không, bà chủ bảo con nghỉ đi, bà tìm được người giúp việc ở theo tháng rồi, nó vừa dễ thương vừa giỏi vun vén việc nhà. Chứ anh công tử đẹp trai không nói gì hả? Nó đi du học rồi, đi cả tuần nay mà con đâu có biết. Con có nói chuyện con với anh chàng đó yêu nhau không? Ai tin cô. Bà chủ còn bảo thằng con tôi còn không biết cô là ai nữa không chừng. Rồi giờ con làm gì. Thì lau nhà người khác. Mấy cô tập Erobic ở trung tâm đầu phố kìa cô. Họ nói thuê ô sin lau nhà dọn dẹp theo giờ họ ít sợ. Sợ gì? Sợ mất chồng đó cô. Vậy chứ mình không sợ mất mình hả Nhu. Con bé không trả lời, nó lẳng lặng đi về. Không nón không dù dưới mưa phơ phất. 

Tôi đóng cửa tiệm.

Má lên cơn tai biến rồi im lìm một chỗ sau hôm chị dâu đột ngột mất hút. 

Anh Hai bữa nào cũng xỉn, có hôm về đến cổng dựng chân chống xe xuống là ngã vật xuống sân. Anh ngủ luôn, tay gác lên mấy chậu mai tứ quý xanh um. Tôi sấp ngửa cơm nước giặt giũ lau nhà lau cửa, cũng quên mất tiệm sách cũ tới tháng phải trả tiền thuê mặt bằng. Hôm thấy tôi chùi nước mắt ở phía trái hiên nhà, anh Hai níu vai tôi, giọng thầm thì như gió. Mai anh không uống rượu nữa. Anh đi làm lại. Má đỡ rồi, ra mở cửa hàng lại đi Xíu, không mất hết khách đó. 

Tôi không nhiều khách quen để mất. Mấy đứa sinh viên. Mấy em cắt tóc chỉ chuyên lùng mua truyện Quỳnh Dao rồi tiểu thuyết tình yêu sướt mướt. Mấy cô nàng hay mang cao gót sáng sáng đi chợ, ghé vô tìm mua sách dạy nấu ăn. Loay hoay tìm cho bằng được thì bảo toàn món khó nấu không à, thôi ăn đơn giản cho khỏe, khi nào muốn sang thì vô nhà hàng. Cửa tiệm chủ nhà đã cho người khác thuê, tôi loay hoay tìm một nơi gần đó, níu giữ người này người nọ. Quán mở, nhỏ hơn tiệm cũ chừng một mét ngang, cũng có điều phía trước hiên thay vì cây hoa móng bò rụng tràn lan tim tím là cây mai trơ khấc. Ngày đầu tiên mở cửa hàng, tôi nhìn cây mai loe hoe vài chiếc lá, cành khẳng khiu. Tự dưng tôi thấy giống mình. Chẳng có chút hấp dẫn chi hết. Nếu là nhà mình, tôi đã mang dao ra chặt phứt. 

Tôi chỉ nhớ con bé Nhu. Tôi nghĩ nó cũng nhớ mình. Nhu cũng có mấy bạn đâu. 

Nó không ghé vào tiệm mua sách như tôi nghĩ. Nó xách giỏ đi ngang qua cửa tiệm, hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi đang quét sân đằng trước. Cô chuyển tiệm rồi hả. Con tưởng cô nghỉ luôn rồi. Con về nghen cô. Bữa nào rảnh con qua. Nhu đi nhanh như trốn, tôi thờ thẫn nhìn theo cái tướng lặc lè của con nhỏ. Cô quen con nhỏ đó hả? Bà bán chuối chiên ngồi xeo xéo trước cửa quán góp chuyện. Chắc hai ba tháng nữa cũng đẻ thôi à. Tội nghiệp, con gái mười hai bến nước. Cháu biết nó cũng lâu lâu nhưng con nhỏ lấy chồng hồi nào cháu cũng không biết đó cô. Chồng đâu mà chồng. Tôi cũng có con gái, nhưng thấy nó, tôi cũng đâm phiền lòng đó cô. 

Thế nào là phiền lòng. Là thương. Là giận. Mà cũng phiền lòng khi mình nói mà nó không nghe. Con bé Nhu không lấy chồng lần nào, nó yêu anh chàng thợ may ở góc chợ phường Tân Tiến. Anh chàng nghe đâu đẹp mã, chỉ phải tội đam mê bài bạc. Nó đi làm không đủ trả nợ cho người yêu. Vậy mà cũng đâm đầu thuê nhà ở chung, sáng lau nhà, trưa cơm nước, chiều bán sầu riêng chè cháo. Cũng chẳng đủ trang trải nợ nần. 

Hồi xưa nó bảo đàn bà con gái ai cũng khờ. Nhu có khờ không Nhu ơi. Không khờ sao anh chàng thợ may bỏ nó đang mang thai ba tháng đi chung chạ với con nhỏ mở quán cà phê karaoke ở lưng chừng dốc; rồi sáng nào cũng chở bao đá nước nhỏ đầy đường, đi ngang qua quầy bán trái cây của con nhỏ Nhu mà cứ tỉnh như không. Trời có mắt không cô? Cháu đâu biết. Sao vậy cô? Con nhỏ đó có bầu cũng là lúc anh chàng thợ may phát hiện ung thư thực quản, không ăn được. Người mỏng tang. 

Bà chuối chiên kể miên man chuyện con bé Nhu rước thằng thợ may về chăm sóc. Bà kể chân thực đến mức tôi nghĩ bà ngủ cạnh giường của con bé. Rồi con nhỏ chủ quán cà phê sao cô? Nó nạo thai ngay khi vừa nghe thằng thợ may mắc ung thư giai đoạn cuối. Con nhỏ Nhu sống có tình có nghĩa đâu không biết, chứ bây giờ bụng mang dạ chửa như vầy. Thương quá cô hén. 

Lần này giọng bà chuối chiên chùng chùng, chắc là thương thật chứ không phải nói cho qua chuyện nữa. Thằng thợ may chết tháng trước rồi. Con nhỏ Nhu còn làm bữa cơm cúng tổ tiên trước khi mất để con nó sinh ra đường hoàng mang họ thằng thợ may. Cái thằng ăn ở như vậy mà có phúc. Phúc đó của cha mẹ ông bà nó à. Vậy còn Nhu! Nhu ơi. 

Tôi mở tiệm lúc 6 giờ hơn, sớm ngang với mấy bà bán trái cây rau củ. Tôi muốn gặp Nhu đến mức ngày nào tôi cũng mang chổi ra quét tới quét lui mảnh sân nhỏ xíu đằng trước, sạch đến mức bà bán chuối chiên cứ ngại ngần mỗi khi bày biện mấy thứ củi lửa xoong chảo. Vậy mà nhìn hoài cũng không thể thấy Nhu. 

Tôi không gặp Nhu. Nhưng tôi gặp lại anh chàng xe ôm làm thơ khi hôm nào đó anh ta dừng xe ở dưới tán sa kê nhà đối diện để trả khách. Anh chàng nhìn tôi, ngờ ngợ, cười cười. Xíu chuyển tiệm đến đây hả. Lâu chưa? Dạ mới. Xíu lấy chồng rồi chứ hả? Dạ chưa. Ai dám lấy em hả anh, em già mất tiêu rồi. Sao hôm đó bà bán chuối chiên không bán hàng, cũng có khi bà biết về cuộc sống của anh chàng xe ôm làm thơ. 

Hồi nào đó Nhu hỏi chuyện tình của tôi với anh chàng xe ôm kết thúc rồi hả cô. Hồi đó tôi cũng cảm cảm, nhưng bây giờ thì tôi thương anh xe ôm thiệt sự, nhất là từ khi anh chàng xe ôm hay làm thơ chuyển đến chờ khách dưới gốc sa kê xanh um lá. Anh không còn hay đọc thơ cho tôi nghe vì giữa chúng tôi bây giờ có thêm bà chuối chiên ngồi từ sáng đến tối. Nhưng bà già nhiều chuyện không biết gì về anh xe ôm, bà cảm tình vì anh chàng sạch sẽ, lúc nào cũng nhiệt tình. Nhất là khi nhờ chạy đi chở chuối chở khoai không bao giờ lấy tiền. 

Tự dưng một ngày anh xe ôm ngỏ lời mời tôi đến nhà. Làm chi vậy anh? Thì mời cô đến nhà tôi. Có người cô quen. Mà người đó nhắc cô hoài. Tôi không biết hôm nào cô rảnh. Hay bữa nay mời cô đại đại. Tôi cười. Giọng anh xe ôm bối rối. Tôi cũng bối rối. Không hiểu sao mọi sự trong lòng ngổn ngang quá đỗi. 

Anh chở tôi đến nhà. Con đường ngoằn ngoèo dẫn xuống xóm vắng. Xóm yên ắng giữa những ruộng rau nối nhau xanh um. Anh dừng xe giữa khoảnh sân nhìn đối diện vườn cúc rộng mênh mông, hoa vàng vừa chớm nhu nhú. Đừng bất ngờ nghe cô Xíu. Bất ngờ gì hả anh? Tôi giấu cô đủ thứ, nhưng mà nói bằng lời thì không biết cách nói đâu cô Xíu à. Tôi đứng sững, bên hông nhà tã lót phơi 

trắng xóa, đứa con nít đỏ hỏn trần truồng đang được phơi nắng. Tay và chân ngọ nguậy. Em nè, anh chở người quen của em đến chơi. Áo dài tay, nút bông kín từng lỗ tai người đàn bà quay lại.

Cô ơi, con nè. Nhu đó cô.

Giá như có thể khóc được tôi đã òa lên như đứa trẻ. 

Giá như quay người chạy được tôi đã sấp ngửa chạy khỏi con đường đất ngoằn ngoèo. 

Có điều tôi lại nhìn Nhu bằng đôi mắt vừa ngạc nhiên vừa dịu dàng. Vậy ra, con lấy anh xe ôm hả Nhu. Nhu cúi mặt, lí nhí. Cô có giận con không cô? Trời ơi sao giận Nhu, cô mừng cho Nhu mà. Tôi ôm thằng bé bằng đôi tay run run, hay giọng run run không rõ nữa. Lúc đó tôi không giận gì hết, chỉ thấy lòng mình nhẹ bẫng. Có lẽ vì tôi vừa chạm phải tia nhìn dịu dàng lẫn âu yếm của anh xe ôm dành cho Nhu khi vừa ngẩng lên. 

Tôi không nghe được câu chuyện Nhu kể vì sao Nhu ở giữa khung cảnh này, vì sao con Nhu được bồng bởi đôi tay đen nhẻm và được nhìn bằng ánh mắt ấm áp đến thế của anh chàng xe ôm ưa đọc thơ. Nhu chỉ níu tay tôi, giọng thầm thì. Thôi thì số con nó may cô ơi. 

Chắc vậy. Có lẽ Nhu muốn tôi cũng may như vậy nên hứa chắc như đinh đóng cột là vài bữa nữa bông cúc pha lê nở rộ, nhất định bứng cho cô chậu lớn để tôi chưng nhà mấy ngày tết. Cô có một mình thì cần chi hoa cúc Nhu ơi. Dạ không cô, biết đâu vài bữa cô có hai ba mình. Như con nè. 

Không hiểu sao câu nói của Nhu cứ làm tôi bần thần suốt cả tuần sau đó. 

Biết đâu vài bữa cô có hai ba mình! 

Như đằng trước cửa hàng cạnh anh chàng xe ôm yêu thơ của Nhu có thêm một người đồng nghiệp trung niên mặt gầy. Nghe nói vợ anh ta mất đâu cả chục năm nay. 

Như bà bán chuối chiên hôm nay có thêm một người bán gỏi xoài ngồi mé đối diện. 

Như đoạn gần chợ cách cửa hàng của tôi chừng năm chục mét vừa mở thêm cửa hàng cho thuê truyện tranh và tiểu thuyết ngôn tình. 

Chỉ có cây mai gầy trơ trước cửa hàng là không thêm cây nào. Lá rụng trơ trọi. Chờ hôm này hôm kia mà không thấy ngọn nào nhú mầm xanh mướt như vẫn tưởng. 

Chẳng biết tết năm nay kịp có hoa bung nở.

Cũng có khi vài hôm nữa.

Như cũng có khi tôi sẽ có hai ba mình. Như con nhỏ Nhu nói hôm nào đó. Vậy không chừng…

12-2014

Niê Thanh Mai

 

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Chú công an
09:24, 14/11/2014
Lễ thượng thọ
10:22, 27/10/2014
Quà cho mẹ
16:39, 19/10/2014
Vì em là em của chị
17:45, 10/10/2014
Bản ngã tình yêu
10:17, 29/08/2014
Khi con vắng nhà
15:17, 18/07/2014
(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.