Multimedia Đọc Báo in

Tổng thống Mỹ thăm châu Âu: Chuyến công du tăng cường lòng tin với những người bạn cũ

11:24, 29/05/2011

Tổng thống Mỹ Barak Obama đã có chuyến công du châu Âu kéo dài 6 ngày từ 22 đến 27-5. Chuyến đi thứ 8 của ông Obama đến lục địa già diễn ra trong bối cảnh cả hai bờ Đại Tây Dương đều đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ngày 22-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên đường thăm châu Âu. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh cả Mỹ lẫn Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với những thách thức lớn về đối nội cũng như đối ngoại và Mỹ đang tìm kiếm sự giúp đỡ của những người bạn cũ trong EU.     

Tại châu Âu, ông Barack Obama lần lượt đến các nước Ireland, Anh, Pháp và Ba Lan với một lịch trình hoạt động dày đặc. Theo chương trình, trong chuyến thăm một ngày tại Thủ đô Dublin của Ireland, ông Barack Obama có cuộc hội đàm với Tổng thống Mary McAleese và Thủ tướng Enda Kenny. Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Anh ở cấp quốc gia trong hai ngày 24 và- 25-5. Sau đó, ông Barack Obama  tới Pháp dự Hội nghị Cấp cao các nước công nghiệp phát triển (G8), diễn ra trong các ngày 26 và  27-5. Ba Lan là chặng dừng chân cuối cùng của ông Barack Obama trong chuyến công du châu Âu lần này.

Đây là chuyến đi thứ 8 của ông Barack Obama đến lục địa già trên cương vị tổng thống. Song, lần này nó diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi cả hai bờ Đại Tây Dương đều đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết, cả Mỹ lẫn EU đều đang phải vật lộn với sự suy yếu kinh tế nghiêm trọng. Chính phủ Mỹ và Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát, vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc nâng mức trần nợ công vốn đã chạm giới hạn cho phép là 14.294 tỷ USD vào ngày 16-5 vừa qua. Bộ Tài chính Mỹ đã buộc phải tiến hành các biện pháp cứng rắn để tránh nguy cơ vỡ nợ, kể cả việc tạm ngừng chi trả cho các quỹ hưu trí của công chức liên bang. Còn tại EU, các nước mà ông Barack Obama đến thăm đều đang trong tình trạng eo hẹp về tài chính và cũng phải gồng mình đối phó với khủng hoảng nợ công. Bởi vậy, các cuộc thảo luận giữa ông Barack Obama với các nhà lãnh đạo của EU tại Hội nghị G8 lần này sẽ tập trung vào những ưu tiên đối phó với tình trạng bất ổn trên các thị trường hàng hóa, cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế và quản trị kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron tại số 10 phố Downing. (Nguồn: Internet)
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron tại số 10 phố Downing. (Nguồn: Internet)

Mặt khác, chuyến thăm của ông Barack Obama cũng diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức từ sự biến động chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi, rồi cuộc chiến dai dẳng tại Afghanistan khi mà sau cái chết của trùm khủng bố Bin Laden đã có không ít ý kiến cho rằng, mục tiêu của Mỹ đã đạt được nên không có lý do gì để Mỹ ở lại quốc gia Nam Á này. Đặc biệt, vào thời điểm Mỹ có những thay đổi trong chiến lược khi để cho các quốc gia đồng minh của mình đóng vai trò chính trong cuộc chiến tại Libya, ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama và các đồng minh sẽ là làm rõ hơn vai trò của phương Tây trong việc thúc đẩy cái gọi là "sự ổn định và dân chủ" trong thế giới Arập, nhất là trong bối cảnh sự can thiệp quân sự của NATO vào Libya rất hao tổn về tài chính mà chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Tâm điểm của sự chú ý đối với chuyến công du này chính là 2 ngày ở thăm Anh và cuộc gặp bên lề Hội nghị G8 giữa ông Barack Obama với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Với Mỹ, Anh vẫn là đồng minh thân cận nhất. Song quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng sau những sự kiện gần đây, trong đó có sự cố tràn dầu ở Vịnh Mexique do vụ nổ ở một giàn khoan dầu của Công ty BP của Anh, rồi đến việc Anh đơn phương thông báo lịch trình rút 10.000 quân khỏi Afghanistan cũng đã gây nhiều khó khăn cho Mỹ. Dư luận cho rằng, chuyến thăm của ông Obama tới Anh có thể giúp “khôi phục mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ” bởi Mỹ vẫn cần sự trợ giúp của Anh trong việc giải quyết một loạt thách thức quốc tế như vấn đề Afghanistan, Libya, chống khủng bố, nền kinh tế toàn cầu.

Với Nga, mối quan hệ giữa Washington và Moscow dù đã cải thiện nhiều song vẫn còn phức tạp. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trong những tuần qua đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Mỹ xây dựng lá chắn tên lửa ở Rumani như một phần của lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu và cho rằng điều đó có thể đe dọa an ninh của Nga. Ông Medvedev cảnh báo việc Washington không hợp tác với Moscow trong vấn đề lá chắn tên lửa có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới. Đồng thời, ông Medvedev cũng đe dọa sẽ rút khỏi hiệp ước hạt nhân START mới với Mỹ nếu Nga cảm thấy bị nguy hiểm. Bởi vậy, cuộc gặp Obama -Medvedev bên lề Hội nghji G8 sẽ là dịp để hai bên trực tiếp bày tỏ quan điểm, tìm kiếm lòng tin.

Chuyến đi châu Âu lần này của Tổng thống Mỹ Barack Obama kéo dài 6 ngày với một hành trang đầy ắp các dự định, nhưng kết quả lại thật khó đoán định. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đang nóng lòng chờ xem Tổng thống Obama sẽ tạo dựng mối quan hệ đối tác Mỹ - châu Âu như thế nào vào thời điểm khó khăn với cả hai như hiện nay.

Theo VOVNews

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.