Nhà báo Nguyễn An Ninh với tiếng chuông thức tỉnh lương tri
Nguyễn An Ninh sinh ngày 15-9-1900 trong một gia đình Nho học, giàu lòng yêu nước ở làng Long Thượng, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An), là con trai của cụ Nguyễn An Khương – một yếu nhân của phong trào Đông du.
Từ nhỏ, Nguyễn An Ninh đã nổi tiếng là người hiếu học, thông minh, giỏi cả Hán văn và Pháp văn. Năm 16 tuổi, ông ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Y dược, nhưng nửa chừng chuyển sang học Luật, hết năm thứ hai thì sang Paris học tiếp tại Đại học Sorbonne. Năm 20 tuổi, ông lấy bằng cử nhân Luật chỉ sau 3 tháng học tập. Là người am hiểu và chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản Pháp (1789), đặc biệt theo tiếng gọi của Nguyễn Ái Quốc, ông đã gia nhập Hội Liên hiệp thuộc địa và tích cực tham gia biên tập cho Báo Le Paria (Người cùng khổ) cùng Nguyễn Ái Quốc…
Năm 1923, Nguyễn An Ninh quyết định dùng báo chí để tấn công trực diện vào chế độ thuộc địa, vạch trần những luận điệu xảo trá của bọn thực dân. Với ý tưởng táo bạo này, ông lợi dụng đạo luật của Chính phủ Pháp quy định: “Người có quốc tịch Pháp ra báo bằng tiếng Pháp sẽ được hưởng quyền tự do và không cần phải xin phép nhà cầm quyền” để ra tờ báo theo chủ đích của mình bằng cách nhờ người bạn có quốc tịch Pháp tên là Eugène Dejean de la Bâtie đứng tên làm chủ báo với tên gọi La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè). Đây là tờ báo đầu tiên thuộc dòng báo chí đối lập công khai chống lại chính quyền thuộc địa. Ngày 10-12-1923, La Cloche Fêlée ra số đầu tiên. Ban đầu, tòa soạn đặt tại số 29 phố Pierre Flandin, Sài Gòn (nay là 56 đường Bà Huyện Thanh Quan, TP. Hồ Chí Minh). Báo ra mỗi tuần một số vào ngày thứ hai, mỗi số có 4 trang khổ lớn trắng đen.
Nhà báo Nguyễn An Ninh. |
Báo tự nhận là cơ quan ngôn luận theo tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái với mục đích chuẩn bị cho tương lai, xây dựng nước Việt Nam như một nước Pháp thứ hai ở châu Á và mong muốn gióng lên tiếng chuông thức tỉnh đồng bào. Sự xuất hiện của tờ báo như một cái gai trong mắt chính quyền thực dân. Những trang báo của Nguyễn An Ninh phản ánh bức tranh hiện thực sinh động một thời đen tối của dân tộc. Đặc biệt, La Cloche Fêlée là tờ báo đầu tiên ở Đông Dương đăng công khai “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền”, đăng toàn văn “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” của Mác và Ăngghen, đăng các bài bênh vực Liên Xô, Cách mạng Tháng Mười Nga và ủng hộ Nguyễn Ái Quốc… đã cho thấy ông theo thiên hướng chủ nghĩa Mác - Lênin.
Điều này đã làm cho chính quyền thực dân thốt lên rằng: “Cái chuông rạn, cách gọi tàn bạo này ám chỉ điều gì đây? Đơn giản đây là một tờ báo tiếng Pháp do một vài người bản xứ trẻ tuổi trong chế độ bảo hộ mà chủ nghĩa tự do và sự độ lượng cho phép họ có được. Hiện nay họ dùng học thức để lăng mạ những ân nhân của họ, để rao giảng một cuộc chiến tranh phạm thượng bằng cách thúc đẩy quần chúng bản xứ nổi dậy chống lại những ân nhân đó”. Vì vậy “Chuông rè” của Nguyễn An Ninh luôn bị thực dân săn đuổi, đàn áp và bắt bớ bất cứ ai cầm tờ báo trên tay... nên nhà in không dám nhận in, các bưu cục không nhận phát hành buộc báo phải nhiều lần thay đổi trụ sở, nhà in.
Tuy nhiên, Nguyễn An Ninh không sờn lòng, ông vẫn nỗ lực hết mình vì sự tồn tại tờ báo và sự ủng hộ của đông đảo quần chúng. Ông bán tài sản của gia đình lấy tiền mua máy móc, lập xưởng in. Một mình ông kiêm nhiều việc, vừa thu thập tin tức, chuẩn bị bài vở, vừa sắp chữ, vừa sửa bản thảo, vừa bán báo… Ông khảng khái tuyên bố: “Lưỡi gươm đe dọa vẫn làm chúng tôi dửng dưng. Chúng tôi đã hy sinh tất cả trong quá khứ, chúng tôi sẵn sàng hy sinh tất cả trong tương lai...”. Hình ảnh bất khuất của ông trước sự đàn áp của thực dân Pháp đã để lại dấu ấn rất sâu sắc trong lòng người dân Sài Gòn lúc bấy giờ. Thanh niên, trí thức Nam Kỳ coi ông như một lãnh tụ tinh thần của phong trào yêu nước, chống thực dân áp bức.
Do sự đàn áp, chống phá quyết liệt của chính quyền thực dân và cũng là do tiền nong khó khăn, ngày 14-7-1924, La Cloche Fêlée tạm thời đình bản khi mới ra được 19 số. Với hơn 7 tháng hoạt động ngắn ngủi, số lượng phát hành hạn chế, nhưng tờ báo đã mở ra một trang vàng oanh liệt trong lịch sử báo chí tiến bộ Việt Nam.
Nguyễn Đình Dũng