Multimedia Đọc Báo in

Khẳng định vị thế đặc biệt của Việt Nam trong quan hệ quốc tế

08:51, 27/10/2021

Bắt đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986), Đảng ta nhận định: “Xu thế mở rộng, phân công, hợp tác giữa các nước, kể cả các nước có chế độ kinh tế - xã hội khác nhau cũng là những điều kiện rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta”.

Đến tháng 5-1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới. Có thể nói, đây là bước phát triển trong nhận thức của Đảng, là bước đột phá, điểm mới trong tư duy về hội nhập quốc tế của Đảng ta.

Để rồi, tại Đại hội VII, Đảng chủ trương: “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là giữ vững nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đồng thời sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với vị trí, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực.

Đến Đại hội IX, Đảng ta nêu bật quan điểm: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.

Đại hội XIII khẳng định và bổ sung: “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” đã khẳng định vị thế đặc biệt của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, đó là lý do mà rất nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Đây là thành quả của quá trình tìm tòi, trải nghiệm và phát triển trong nhận thức của Đảng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có đổi mới nhận thức về bối cảnh thế giới, khu vực và đặc biệt là nhận thức về đối ngoại.

Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất phức tạp, gay gắt; cục diện cực ngày càng rõ nét. Cho thấy sự cần thiết tiếp tục kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Từ đó, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng với rất nhiều điểm mới.

Đại hội XIII xác định mục tiêu đối ngoại giai đoạn tới là: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.

Trên cơ sở “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”. Đồng thời phải: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia”.

Có thể khẳng định, lợi ích quốc gia - dân tộc đã, đang và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam, tiêu chí cao nhất trong triển khai hoạt động đối ngoại. Không những vậy, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII còn xác định đây là một trong những quan điểm chỉ đạo cao nhất nhằm thực hiện tầm nhìn và định hướng phát triển của đất nước.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk và Tiểu khu Quân sự Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) ký kết biên bản hội đàm phối hợp quản lý bảo vệ biên giới năm 2020. Ảnh: Q.Anh

Đại hội XIII tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của đối ngoại - mặt trận có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định một cách nhất quán nhiệm vụ đối ngoại: “Giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Đại hội XIII cũng xác định chủ trương mới “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.

Trên tất cả các lĩnh vực, đó là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân. Triển khai đối ngoại không còn chỉ là giữa nhà nước - nhà nước, mà còn là địa phương, doanh nghiệp, người dân. Do đó, địa phương, doanh nghiệp, người dân vừa là chủ thể triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, vừa là đối tượng, mục đích để công tác đối ngoại hướng tới.

Đại hội XIII xác định “đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương”. Trong đó, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy.

Về đối ngoại đa phương, “Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết”.

Đây là bước phát triển quan trọng về lý luận và thực tiễn từ Đại hội XII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư, ngày 8-8-2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Điều này phù hợp với thế và lực mới của đất nước cũng như những đòi hỏi thực tiễn mới đối với công tác đối ngoại. Tư duy về không gian và các trọng điểm chiến lược của đất nước cũng được thể hiện rất rõ, đó là các nước láng giềng, khu vực tiểu vùng Mekong, ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương, các nước lớn và các đối tác quan trọng…

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.