Multimedia Đọc Báo in

Tết về lại nhớ…

11:26, 07/02/2022

Mỗi khi Tết đến, Xuân về, mỗi người lại nhớ đến những Tết riêng mà mình trải nghiệm. Với tôi, dấu ấn đậm nét là những Tết ở rừng cùng đồng đội gánh chung gian khổ, chia ngọt sẻ bùi những năm kháng chiến.

Tôi có người bạn là Nguyễn Trúc được phân công giữ súng trung liên đánh địch càn quét vào vùng căn cứ H9 để cơ quan rút lui. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ và rất may mắn khi địch bắn sượt qua ngực từ phải sang trái, để lại vết sẹo dài mà không nguy hiểm đến tính mạng.

Đường vào buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui (huyện Krông Bông).  Ảnh: Thế Hùng
Đường vào buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui (huyện Krông Bông). Ảnh: Thế Hùng

Nơi anh bị thương được gọi là đồi Điện Ảnh, vì có đội chiếu phim của tỉnh đóng trụ sở, gần đó là nơi ở của Đoàn Văn công mà bây giờ gọi là Đoàn Ca múa. Địch đốt trụi không còn gì, mỗi người chỉ còn ba lô quần áo mang theo. Sau này tôi viết về các cô gái văn công xinh đẹp lại nhớ đến Tết năm 1972 mà thương cảm, khi địch rút đi không còn lán để che sương gió, đêm giao thừa, ra rẫy nhổ sắn. Tôi đã viết:

Em có nhớ vùng Buôn Chàm lửa cháy

Giặc đổ quân vây quét mấy ngày

Tết đến rồi mà lán thành tro bụi

Đón giao thừa với củ sắn trên tay!

Hiện thực nửa thế kỷ trước là thế đó. Những cô Nguyệt, cô Thanh… như bông hoa ngày ấy còn nhớ hay quên? Đón giao thừa có ai còn nướng sắn?

Nói đến Đoàn Văn công, không thể quên nhạc sĩ Kơ Pa Púi, Trưởng Đoàn Văn công đầu tiên của tỉnh với nhạc múa Kông Tua in trong tập “Tới Bác Hồ” của riêng anh từng đoạt giải quốc gia, quốc tế. Lúc bấy giờ văn hóa, giáo dục, y tế còn nằm trong Ban Tuyên giáo nên chia rẫy gần nhau. Kơ Pa Púi, nhạc sĩ Minh Phong cùng giữ rẫy, giật dây phát ra tiếng mõ lóc cóc đuổi chim, thú. Đôi khi giọng ồm ồm của Kơ Pa Púi lại “ú òa, ú òa” mà buồn cười. Kơ Pa Púi khen tôi nắm cơm nấu bằng sắn tròn hơn mình, khi ăn chấm muối lạc. Anh kiếm đâu ra bi đông rượu cần và miếng nai khô xé cho tôi. Đến lượt Minh Phong, anh bảo: “Thằng này uống ít thôi để còn canh rẫy”. Chính anh đã trả lời tôi khi tôi hỏi về chuyên môn. Anh dõng dạc: “Chuyên môn của tao là dao quắm! Không có ăn là chết”. Con suối Ua rì rào ru võng bên cạnh cây đa lớn cho chúng tôi trông rẫy. Run rủi thế nào khi Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ lần thứ nhất, giai đoạn 1982 - 1988 anh được cử làm Trưởng ban, tôi được giao kiêm nhiệm làm Phó ban giúp việc cho anh.

Năm 1973, vùng giải phóng rộng mở. Đón Tết Giáp Dần 1974 không khí vui tươi nhộn nhịp. Cơ quan nào đông người thì tổ chức riêng còn ít người thì tổ chức ghép. Cơ quan Giáo dục tổ chức chung với cơ quan Kinh tài và An ninh H9. Cùng nhau gói bánh chưng, trang trí nhà cửa. Chúng tôi nhiều người từ miền Bắc nên làm cành đào giả để nhớ về Tết miền Bắc.

Khoảng 23 giờ cùng nhau về cơ quan Kinh tài, có địa điểm rộng rãi, đủ chỗ ngồi cho vài chục người. Vũ Chương Cư - An ninh H9, người Thái Bình, lo tổ chức, điều hành buổi chào cờ và nghe thư chúc Tết của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Sau đó pha cà phê lọc qua túi vải. Có bánh kẹo, trà thuốc đón giao thừa rôm rả, cùng nhau hát những bài ca cách mạng hào hùng.

Tết Ất Mão 1975, không khí nhộn nhịp, tất cả cho phía trước cho mùa xuân đại thắng.

Lãnh đạo Ban Giáo dục tỉnh đã đi phía trước gồm: Hồ Thược, người Hải Phòng (Trưởng ban), Hà Ngọc Đào ở Bình Định, Nguyễn Thị Phương ở Nghệ An, hai ủy viên Ban đã theo sự điều động của Tỉnh ủy, cùng với Nguyễn Trúc đã nắm địa bàn H6 từ trước. Các Trường Bổ túc Văn hóa, Trường Nội trú của tỉnh đều nghỉ học để tăng cường lực lượng. Cả Đắk Lắk góp phần mình vào cuộc chiến đấu này. Giúp quân đội mở đường thông tuyến. Gùi đạn gạo ra chiến trường. Cả vùng căn cứ nhộn nhịp tiếng chày khua. Hiệu trưởng Hoàng Đức Hiển, người Hải Phòng đã được lệnh đi từ trước. Nguyễn Đức Hiển, người Nam Định mấy lần dẫn đoàn tiếp lương tải đạn cũng không vượt được đường 21 (nay là đường 26) phải quay về, giã đến gùi lúa cuối cùng mới vượt được đường để làm nhiệm vụ.

Ngay trong mùa Xuân 1975, cảm xúc dâng trào, tôi đã gửi vào bài “Gùi đạn” khi viết về học sinh tham gia sự việc này:

Như thế đó em đi, em tới

Trao tận tay anh những viên đạn yêu thương

Bắn đi anh, bắn rền như sấm dội

Em xin góp phần giải phóng quê hương.

Tôi nhớ đến bao đồng bào đồng chí, đồng nghiệp và cả học sinh ngày ấy. Quên sao được cô gái người Tày ở Cao Bằng là y sĩ của cơ quan Giáo dục tên là Hoàng Hoa Nô mà mọi người yêu mến. Cô được điều động ra phía trước, còn chúng tôi chưa được gọi. Hôm chia tay thật bịn rịn. Vì đi phía trước thì nguy hiểm hơn mà cô lại nhỏ nhắn, xinh đẹp. Phạm Quốc Phòng, người Hải Phòng có trái cam xanh hái ở rẫy bên đường đưa vào tay cô, chúc bình an, tất cả hẹn gặp nhau ở Buôn Ma Thuột.

Ama Tuyên hy sinh ngay sau ngày giải phóng vì đi chặt le bị quả bom bi còn sót lại rớt xuống phát nổ. Người cán bộ giáo dục H9 tận tâm, hy sinh như thế. Bao gương mặt lại hiện về.

Giải phóng Buôn Ma Thuột mở đầu chiến dịch Tây Nguyên nhanh chóng quá. Rồi các chiến dịch khác tới ào ạt tấn công để chiến dịch Hồ Chí Minh trọn vẹn, mùa Xuân đại thắng 1975 tô đậm sử vàng.

Nhiều cái Tết, nhiều mùa Xuân qua đi, nhưng có những mùa Xuân càng xa càng nhớ, thành hồi ức sâu đậm. Với tôi, Tết về lại nhớ những Tết ở rừng, căn cứ cách mạng Đắk Lắk năm xưa. 

Tết Nhâm Dần 2022

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.