Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai

19:17, 16/03/2022

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 16/3, Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên chất vấn.

Trong phiên làm việc chiều nay, các đại biểu tập trung vào 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trong đó nhiều nội dung, vấn đề “nóng” cử tri quan tâm đã được các đại biểu chất vấn như: Việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân.

Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh Quochoi.vn

Bên cạnh đó, nội dung về việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này; việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp; vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19; vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương… cũng được các đại biểu thẳng thắn chất vấn, tranh luận.

Trả lời chất vấn của các đại biểu về công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng mặc dù Luật Quy hoạch đã có hiệu lực thi hành, song đến nay hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật vẫn chưa đảm bảo đầy đủ, thống nhất; quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh vẫn đang trong quá trình lập nhiệm vụ hoặc lập quy hoạch nên các nội dung liên quan đến quản lý và sử dụng đất tại đô thị sẽ khó khăn, bất cập.

Về những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất thời gian vừa qua, Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận: Một số địa phương xuất hiện hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh – quân đỏ” để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra; có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã trúng đấu giá khác hoặc bán ra các lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi…

Đại biểu tham gia phiên chất vấn tại điểm cầu Đắk Lắk.
Đại biểu tham gia phiên chất vấn tại điểm cầu Đắk Lắk.

Nguyên nhân là do pháp luật liên quan đến đấu giá đất còn thiếu cụ thể như: Trình tự chưa chặt chẽ; chưa quy định điều kiện, năng lực của doanh nghiệp tham gia đấu giá; chế tài đối với người cố tình đẩy giá cao rồi bỏ cọc chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, các công cụ pháp luật để ngăn chặn tình trạng “quân xanh - quân đỏ”, móc ngoặc hoặc đe dọa người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất cũng chưa chặt chẽ, thậm chí có sơ hở.

 

“Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã trả lời rất trách nhiệm, đầy đủ, cơ bản chuyển tải được nhiều nội dung thông tin đến cử tri và đại biểu quốc hội được biết. Đặc biệt, Bộ Trưởng cũng đã nghiên cứu, trao đổi với các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn chưa thống nhất để tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành những văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, tạo điều kiện để địa phương thực hiện tốt. Từ những trả lời chất vấn của Bộ Trưởng và sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu, mong rằng Bộ Tài nguyên và Môi sẽ tham mưu cho Chính phủ điều hành những vấn đề thực tiễn, khắc phục những hạn chế hiện nay trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia…”

- Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Bí thư Thị ủy Buôn Hồ).

Để hạn chế tình trạng này cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật; áp dụng linh hoạt các hình thức đấu giá, mở rộng hình thức đấu giá trực tuyến…

Về vấn đề thổi giá, đầu cơ đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, người dân, doanh nghiệp đã gửi tài sản của mình vào đất và khi đất lên giá phi mã ai cũng nghĩ là thành công. Tuy nhiên, ở góc độ vĩ mô, khi người dân đầu tư vào đất đai thì xu hướng đó không mang lại hiệu quả và đấy là điều rất không tốt với nền kinh tế. Theo Bộ trưởng, trong vấn đề này, nhà nước phải điều tiết để ngăn chặn vấn đề thổi giá. Không để xảy ra tình trạng đất chưa sử dụng mà đã tham gia đấu giá để giữ đất, găm đất. Không để tình trạng đất không sử dụng, không đầu tư, nhưng để càng lâu vẫn lên giá.

Đối với vấn đề chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đây là chất thải nguy hại, được quản lý theo quy định quản lý chất thải nguy hại và quản lý chất thải y tế. Mặc dù Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các địa phương đều đã có hướng dẫn rất cụ thể về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh đối với người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà, tuy nhiên thực tế việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải, chất thải của người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà chưa được quan tâm đúng mức.

Để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải để phòng, tránh dịch bệnh và an toàn môi trường…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) chất vấn tại phiên làm việc.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) chất vấn tại phiên làm việc.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: Sau một ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, khoa học, đổi mới, dân chủ, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội ngắn gọn, rõ ràng, bám sát các nhóm vấn đề được Quốc hội đề ra. Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng đã trả lời nghiêm túc, không né tránh các vấn đề đại biểu nêu; đồng thời nhận trách nhiệm và đưa ra các cam kết, giải pháp khắc phục. Thông qua hoạt động chất vấn cho thấy các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn đúng và trúng, được đại biểu Quốc hội và nhân dân đánh giá cao.

Sau kỳ họp này, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp đồng bộ để giải quyết những vấn đề còn khó khăn, bất cập, tạo sự chuyển biến cụ thể, rõ nét trong thực tế sau chất vấn. Trên cơ sở nội dung của các phiên chất vấn và trả lời chất vấn thành viên Chính phủ, kết luận của từng nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm ban hành Nghị quyết làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Lan Anh


 


Ý kiến bạn đọc