Multimedia Đọc Báo in

Ly kỳ chuyện cô gái ngủ suốt... 9 năm

08:22, 24/03/2023

Câu chuyện về người đẹp ngủ trong rừng tưởng chỉ có trong cổ tích, thế nhưng ít ai biết rằng vào năm 1871 từng có một bé gái người Anh ngủ một mạch suốt hơn... 9 năm, rồi bỗng dưng thức dậy và tiếp tục cuộc sống!

Ellen Sadler (1859 - sau 1901) là cư dân của Turville, một ngôi làng nhỏ ở Buckinghamshire, nước Anh. Sinh ra trong một gia đình đông con, nghèo khó, Ellen phải đi trông trẻ từ khi mới 11 tuổi. Rồi Ellen bắt đầu liên tục bị buồn ngủ nên buộc phải thôi việc. Cô bé được Henry Hayman - một bác sĩ địa phương ở Stokenchurch khám. Theo vị bác sĩ này Ellen đã bị "sưng tuyến" hoặc áp xe sau gáy. Bệnh của Ellen ngày càng nghiêm trọng hơn, gia đình nghèo nên cha Ellen, ông Reverend Studholme chỉ có thể đưa Ellen vào điều trị tại bệnh viện địa phương. Tháng 3/1871, sau 18 tuần nằm viện, Ellen bị trả về vì không thể chữa khỏi.

Theo lời kể của người mẹ là bà Ann Frewen, ở nhà trong khi cầu nguyện, Ellen đung đưa người với hai tay chắp lại và cơ thể dần dần mất kiểm soát, bắt đầu co giật, mắt đảo điên. Khi bác sĩ Hayman đến là lúc Ellen đã chìm vào trạng thái vô cảm. Vào ngày 17/3/1871 Ellen liên tục co giật, sau đó "nằm nghiêng sang bên trái, chống tay dưới đầu”. Chính ở tư thế này - như mẹ cô khẳng định - Ellen đã nằm im suốt… hơn 9 năm cho đến khi thức dậy. Trong khi ngủ, hơi thở của cô bé vẫn đều đặn và tự nhiên, làn da mềm mại, cơ thể ấm áp, giống như một người khỏe mạnh nhưng mạch thì hơi nhanh. Bàn tay nhỏ và gầy, các ngón tay khá linh hoạt; cơ thể có phần tiều tụy; bàn chân và đôi chân giống như của một đứa trẻ đã chết, lạnh như băng... Mắt và má Ellen hóp lại, vẻ ngoài như thể hồn đã lìa xác nhưng sự nhợt nhạt dung nhan lại không phải là sắc thái báo hiệu cái chết.

Trường hợp của Ellen Sadler khiến ngôi làng Turville trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Ảnh: Amusingplanet

Đến tháng 3/1873, người ta tin rằng Ellen đang bị chết lả. Lúc đầu, Ellen được bón rượu vang ngọt đỏ, trà và sữa mỗi ngày ba lần. Khoảng 15 tháng sau thì hàm của Ellen đã bị cứng chặt. Sau đó theo khuyến cáo của bác sĩ Hayman, Ellen được bón đồ ăn, thức uống bằng ống, lồng qua giữa hai chiếc răng gãy. Theo bác sĩ Hayman tiết lộ, bà Ann Frewen nói với ông rằng trong suốt 5 năm Ellen không hề đi tiêu, nhưng cứ sau bốn ngày lại có "một lượng hơi lớn sẽ thoát ra từ bàng quang".

Bà Ann Frewen qua đời vào tháng 5/1880. Năm tháng sau, Ellen tỉnh dậy và đến tháng 11 thì "hoàn toàn bình phục". Lúc này, Ellen 21 tuổi và cho biết không nhớ gì về quãng thời gian hơn 9 năm trước. Mặt khác, do phải chịu một số di hại lâu dài bởi giấc ngủ nên sức khỏe rất yếu, người còi cọc, mắt lờ đờ. Sau khi hồi phục, Ellen tiếp tục cuộc sống bình thường, lập gia đình và có đến 5 người con.

Giấc ngủ kỳ lạ của Ellen gây ra rất nhiều tranh cãi. Một số người nghi ngờ về căn bệnh của Ellen và cố gắng tìm ra “góc khuất”. Nhiều người hàng xóm cũng hoài nghi, vì gia đình của Ellen kiếm được bộn tiền từ căn bệnh ngủ của Ellen. Ngay bác sĩ Hayman cũng kể rằng bố mẹ Ellen miễn cưỡng cho phép nhân viên y tế khám, nhất là "kiểm tra khả năng cảm giác của Ellen, thậm chí họ còn cực lực phản đối đề xuất của bác sĩ Hayman về việc cho dòng điện chạy qua cơ thể Ellen khi đang ngủ”. Những người hoài nghi về bệnh tình của Ellen đã so sánh Ellen với trường hợp của Sarah Jacob - "cô gái nhịn ăn" xứ Wales. Cha mẹ Sarah Jacob cho rằng con gái mình có thể sống sót mà không cần dinh dưỡng nhờ sự can thiệp của thần thánh. Sarah chết vì đói vào năm 1869, và cha mẹ cô sau đó bị kết tội ngộ sát.

Các chuyên gia y tế ngày nay cho rằng Ellen có thể đã mắc chứng ngủ rũ (narcolepsy), một chứng rối loạn giấc ngủ mãn tính được đặc trưng bởi những cơn buồn ngủ đột ngột hoặc những giấc ngủ bất thường. Những người mắc chứng ngủ rũ thường khó tỉnh táo được trong khoảng thời gian dài bất kể trường hợp nào. Chứng ngủ rũ có thể gây ra nhiều phiền toái nghiêm trọng cho cuộc sống hằng ngày của người bệnh.

Chứng ngủ rũ là một bệnh mạn tính và hiện nay vẫn chưa biết nguyên nhân và chưa có cách điều trị. Tuy nhiên, việc thực hiện theo tư vấn của bác sĩ và thay đổi tích cực lối sống có thể giúp người bệnh kiểm soát được các triệu chứng. Ngoài ra, bệnh nhân cần thêm sự trợ giúp từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, giáo viên để đối phó với chứng ngủ rũ. Bệnh có thể gặp ở tất cả các chủng tộc, khắp nơi trên thế giới.

Nguyễn Hùng

(Theo Grunge/APC- 10/2022)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.