Multimedia Đọc Báo in

Đường về Sài Gòn không còn xa

06:47, 30/04/2024

Năm 2015 tuyến đường Hồ Chí Minh – tuyến đường xương sống quan trọng nối Tây Nguyên với hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước là TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng hoàn thành đã góp phần rút ngắn thời gian đi lại, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường giao lưu văn hóa…

Tây Nguyên có vị trí địa lý quan trọng trong mạng lưới giao thông của cả nước. Khu vực có đường biên giới tiếp giáp với Lào và Campuchia dài 554 km, kết nối đường bộ với Campuchia tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, kết nối với Lào tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y trong khu vực tam giác ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, thuận lợi cho việc thông thương, trao đổi hàng hóa với hai nước bạn.

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Mạng lưới giao thông trong khu vực đóng vai trò là hành lang đông - tây kết nối cửa khẩu với các cảng biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, là hành lang bắc - nam kết nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ.

Trong đó, Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước là công trình trọng điểm quốc gia được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 7/2015 đã và đang góp phần nối gần hơn khoảng cách giữa các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước với các tỉnh phía Nam nói chung, trung tâm kinh tế lớn là TP. Hồ Chí Minh nói riêng.

Với khoảng cách địa lý hơn 330 km, hiện nay đường bộ vẫn là loại hình giao thông chủ đạo kết nối tỉnh Đắk Lắk với TP. Hồ Chí Minh, thời gian di chuyển bằng xe ô tô khoảng 6 - 7 tiếng.

Đường Hồ Chí Minh hoàn thành, không chỉ người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi, mà hầu hết các ngành nghề đều phát triển.

Trong đó, ngành vận tải được hưởng lợi nhìn thấy rõ nhất. Trong những năm qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải tuyến Đắk Lắk đi các tỉnh phía Nam không ngừng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Nếu như năm 2015, tỉnh Đắk Lắk có chưa đầy 60 doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa, thì đến nay đã tăng lên 123 doanh nghiệp, với tổng số phương tiện 15.042 xe, hoạt động ở 286 tuyến liên tỉnh và 11 tuyến nội tỉnh.

Nhìn chung, mạng lưới vận tải ô tô của tỉnh phát triển khá đồng bộ từ xe buýt, xe khách, bến bãi… được phân bố rộng khắp trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố. Các bến xe cũng được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, đạt tiêu chuẩn loại 4 trở lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Ngoài tuyến đường huyết mạch, trong những năm qua, từ nguồn vốn còn dư của Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước, sau đó tỉnh Đắk Lắk lần lượt được quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến đường tránh.

Chỉ trong năm 2016, hai dự án đường Hồ Chí Minh đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt gồm Dự án Đầu tư cải tạo đường Hồ Chí Minh đoạn từ Đinh Tiên Hoàng nối với đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) và Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía tây thị xã Buôn Hồ.

Những năm qua, các dự án này đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại, giao thương giữa tỉnh Đắk Lắk với các địa phương khác.

Ngoài ra, hiện nay tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột đang được triển khai, dự án hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; từng bước hoàn thiện và đồng bộ đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 66/2013/QH13, ngày 19/11/2013 của Quốc hội và Quyết định số 194/QĐ-TTg, ngày 15/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ; góp phần đưa TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên…

Bên cạnh các dự án giao thông trọng điểm đã được đầu tư, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía tây (ký hiệu CT.02) sẽ được đầu tư xây dựng.

Tuyến cao tốc này có hai đoạn gồm cao tốc Pleiku – Buôn Ma Thuột, chiều dài dự kiến 160 km, quy mô 6 làn xe; cao tốc Buôn Ma Thuột – Gia Nghĩa, chiều dài dự kiến 105 km, quy mô 6 làn xe.

Đây là tuyến cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đầu tư xây dựng trước năm 2030 và kết nối các dự án cao tốc đang triển khai xây dựng trong khu vực. Trong tương lai sẽ góp phần đồng bộ về cơ sở hạ tầng giao thông chất lượng cao, rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa Tây Nguyên với các tỉnh phía Nam.

Cùng với mạng lưới giao thông đường bộ, trong những năm qua vận tải hàng không cũng đã và đang từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Đắk Lắk với TP. Hồ Chí Minh và vùng lân cận. Hiện nay, chặng bay này đang được Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam và Hãng hàng không Vietjet khai thác, duy trì 8 chuyến khứ hồi/ngày – đây là chặng bay có lượng khách ổn định và có số lượng chuyến bay chỉ đứng sau chặng Buôn Ma Thuột – Hà Nội.

Có thể khẳng định, vùng Tây Nguyên vừa là thị trường, vừa là nguồn nhân lực, nguồn nguyên liệu đáp ứng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của trung tâm kinh tế lớn TP. Hồ Chí Minh. Việc đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông chính là tạo sức bật cho nền kinh tế, kết nối du lịch và giải quyết các vấn đề xã hội…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc