Multimedia Đọc Báo in

Tháng Tư ở Trường Sa

06:54, 30/04/2024

Tháng Tư mùa biển lặng, chúng tôi lại ra Trường Sa thăm, tặng quà cho quân dân nơi đầu sóng ngọn gió.

Đoàn công tác số 7 do Chuẩn đô đốc, Phó Chủ nhiệm chính trị Hải quân Phạm Văn Quang làm trưởng đoàn cùng hơn 200 thành viên trên tàu KN 390 cập đảo Trường Sa lớn vào lúc mặt trời đứng bóng.

Chúng tôi nhoài người qua ô cửa tàu nhìn về thị trấn Trường Sa. Chen lẫn những mái ngói đỏ tươi là bạt ngàn cây xanh chạy quanh triền đảo.

Thuyền trưởng tàu KN 390 chỉ tay về đảo nói: “49 năm trước đảo Trường Sa lớn là khô cằn và san hô. Sau 49 năm đã trở thành một thị trấn sầm uất giữa ngàn khơi. Cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ đầy đủ tiện nghi như ở đất liền. Thông tin cập nhật từ đất liền hằng ngày. Ngồi tại đảo có thể nói chuyện và nhìn thấy người thân, gia đình qua điện thoại thông minh. Đến với Trường Sa là đến với trái tim biển của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió”.

Biển Trường Sa tháng Tư.

Tàu KN 390 cập đảo, chúng tôi khoác ba lô, túi xách đi nhanh về phía cổng Trường Sa. Nữ văn công Hoàng Lan đi trong đoàn “hét” lên: “Trường Sa ơi, đất liền đã cập đảo rồi. Vui quá đi”. Trước phong cảnh lãng mạn Trường Sa, Hoàng Lan chia sẻ: “Lần đầu em đi tàu biển, lần đầu em đến Trường Sa mà cảm giác gần gũi thân quen. Lúc nghe bài hát “Gần lắm Trường Sa” dưới tàu, em đã không cầm được nước mắt”.

Như thường lệ, mỗi lần thăm đảo Trường Sa, bao giờ tàu cũng chở đầy ắp những phần quà từ đất liền gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo. Hàng trăm tấn hàng, quà các loại, từ dụng cụ y tế, thiết bị điện tử đến sách và rau giống, đất dinh dưỡng... với trị giá hàng trăm tỷ đồng phục vụ đời sống sinh hoạt, và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của quân dân trên đảo.

Trong 6 ngày đêm thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, hát với nhau nơi đầu sóng ngọn gió là “điểm nhấn” trong chuyến hải trình. Hàng trăm bài thơ tự sáng tác, hàng chục ca khúc mới ra đời ngay trên boong tàu, nhiều bài hát, điệu múa được các ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn cho cán bộ, chiến sĩ thưởng thức khi tàu cập đảo.

Duyệt đội ngũ ở Đảo Trường Sa lớn.

Ngay sau khi xuồng cập đảo Sinh Tồn, ca sĩ trẻ Hoài Thương (Đoàn ca múa Hải quân) hòa ca cùng chiến sĩ trên đảo.

Sân khấu là nền đảo, âm nhạc là đàn ghi ta, chị say sưa hát với tất cả tình yêu dành cho biển đảo: “Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng, Trường Sa xa lắm em. Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội thân yêu chỉ có loài chim biển”.

Để truyền hơi ấm đất liền đến từng chiến sĩ, Hoài Thương cầm micro xuống từng hàng ghế.

Chị nắm tay một chiến sĩ thì thầm rằng: “Anh ơi có nghe lời người từ phố biển, khi ngọn triều dâng cao, khi cánh hải âu về”.

Đáp lại tình cảm đất liền, chiến sĩ Hàn Trung Nhật ở đảo Sinh Tồn cầm tay ca sĩ Hoài Thương mà hát: “Từ ngọn sóng Trường Sa, anh gặp em ở đảo, biết nói sao cho vơi, vẫn bên anh nơi đảo Sinh Tồn. Đảo ơi, phải vì cách trở trùng khơi, phải vì máu đổ em ơi, nên đảo thương đảo vẫn sinh tồn gặp em”.

Nhật chia sẻ, mỗi lần có văn công ra đảo, lính trẻ  nhiều đêm không ngủ, hồi hộp và chờ đợi. “Để đáp lại tình cảm đất liền, chúng em tập vài tiết mục văn nghệ để giao lưu cùng ca sĩ. Những buổi văn nghệ như thế rất có ý nghĩa, nhớ lâu đến vài tháng sau. Cái cảm giác hát với ca sĩ, cầm tay ca sĩ vui sướng lắm”, Nhật chia sẻ.

Chuẩn đô đốc, Phó Chủ nhiệm chính trị Hải quân Phạm Văn Quang động viên chiến sĩ đảo Núi Le B.

Trước khi tỏa đi các phân đội thăm, giao lưu, trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi xếp hàng ngay ngắn theo lệnh chỉ huy trên đường băng để làm lễ chào cờ. Giữa biển trời Tổ quốc, từng lời quốc ca như thấm vào máu thịt.

Xúc động nhất là giây phút nghe 10 lời thề danh dự. Giọng Đại úy Phan Tú Trạc ở phân đội hỏa lực dõng dạc hô to: “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”; “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng - xin thề”.

Tuần tra, canh giữ biển đảo. Ảnh: Lê Thành

Thượng tá Phạm Xuân Trung, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn chia sẻ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa luôn khắc sâu lời phát biểu của Đại tướng Lê Đức Anh nhân kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo Trường Sa ngày 7/5/1988: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta”; đồng thời khẳng định, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng và nhân dân toàn huyện đảo quyết tâm đoàn kết một lòng, vượt mọi khó khăn thử thách, xây dựng và phát triển huyện Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc