Multimedia Đọc Báo in

Vĩ thanh của đạn bom

09:52, 29/04/2024

1. Đã ngàn vạn bữa cơm trải qua trong đời, nhưng có lẽ chưa bao giờ tâm trạng tôi khác lạ đến vậy khi cùng ngồi dự bữa cơm hòa giải của người dân xóm Tây làng Hà My (Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) với những người đàn ông, phụ nữ đến từ Hàn Quốc.

Bữa cơm được bày biện ngay trong khuôn viên Nhà bia tưởng niệm 135 dân làng vô tội bị lính Đại Hàn thảm sát cuối tháng Giêng năm 1968. Hôm nay chính là ngày giỗ chung của họ, mà thân xác giờ nằm dưới hai ngôi mộ tập thể bằng cát khổng lồ bên cạnh. Khói hương còn nghi ngút trên bệ thờ, những vòng hoa tươi đính dải băng đen… Đoàn hơn 40 người đến từ Hàn Quốc do Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn - Việt Kang U Il dẫn đầu, trong đoàn có Nghị sĩ Quốc hội Kim Hyun Kwon và chắc hẳn có cả người có thân nhân một thời từng cầm súng bắn giết tại Việt Nam.

Chuông mõ cầu nguyện, những dòng nước mắt, những bóng người quỳ rạp sám hối trước vong linh những oan hồn hơn nửa thế kỷ trước. Để rồi cuối cùng kết thúc là những mâm cơm ấm cúng bên nhau với đủ món Việt - Hàn. Những người đàn ông, phụ nữ Hàn Quốc ngồi xen lẫn giữa dân làng Hà My, nói cười…

Bữa cơm hoà giải giữa dân làng Hà My và người Hàn Quốc.

Trên dải đất miền Trung những năm chiến tranh, có hàng chục điểm thảm sát kinh hoàng như thế. Như lính Đại Hàn tại Quảng Nam đã gây ra vụ thảm sát 74 người dân làng Phong Nhất - Phong Nhị (Điện An, Điện Bàn); giết chết 149 thường dân vô tội ở Duy Nghĩa (Duy Xuyên), và thảm sát hàng nghìn người dân tại Bình Hòa (Bình Sơn, Quảng Ngãi), Gò Dài (Bình An, Tuy Phước, Bình Định), Bình Tai (Bình Phước)…

Bây giờ, hằng năm, những người Hàn tôn trọng công lý lại tìm về những nơi này quỳ gối tạ tội thay đồng bào mình, chung tay xây dựng tu sửa nhà bia, trường học, công trình dân sinh, tặng quà cho các em nhỏ… như một cách trao gửi thông điệp hòa bình.

Nhớ một buổi trưa nơi Nhà bia Cây Da Dù tưởng niệm 74 nạn nhân làng Phong Nhất - Phong Nhị, tôi để ý bàn tay run run của Nghị sĩ Kim Hyun Kwon khẽ chạm vào hình nhân những đứa bé nặn bằng đất sét xếp dưới chân tấm bia tưởng niệm. “Lần đầu tiên tôi đến nơi này. Thấy trong danh sách các nạn nhân ở đây có rất nhiều em bé sơ sinh, những em bé mới 1 tuổi, 2 tuổi. Tôi có cảm giác thật là kinh hoàng. Và rất buồn. Buồn đến nỗi không thể thốt ra được lời nào. Và tôi nghĩ đến cả những người còn sống, với nỗi đau buồn họ phải gánh chịu suốt 50 năm qua. Tôi không thể nào tưởng tượng nổi. Tôi vô cùng xin lỗi. Rất xin lỗi…”, ông Kim bật lên thảng thốt.

Còn Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn - Việt Kang U Il thốt lên: “Đứng trên mảnh đất nơi từng là hiện trường của một vụ thảm sát tang thương tột cùng, chúng tôi không cất nổi thành lời, dù chỉ là một lời xin lỗi, chỉ còn biết cố nén tiếng khóc cứ chực vỡ òa ra… Dù quá khứ có hổ thẹn đến đâu, thì sự thật vẫn cần được đưa ra ánh sáng một cách toàn vẹn nhất. Để rút ra từ đây bài học lịch sử, cho những sai lầm này không còn lặp lại về sau. Xin lỗi. Thành thật xin lỗi. Chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ luôn khắc nhớ…”.

Vĩ thanh của những tràng đại liên, tiểu liên, lựu đạn xối xả của lính Mỹ cướp đi 504 sinh mạng vô tội hầu hết là phụ nữ, trẻ em làng Mỹ Lai - Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) buổi sáng 16/3/1968, giờ ẩn khuất ở đâu trong thanh âm của 5 hồi 4 tiếng chuông mỗi lần tưởng niệm? Tôi nghĩ chúng đã tan dần theo tiếng vĩ cầm da diết của Mike Boehm. Suốt hơn 20 năm qua, người cựu binh Mỹ này bất chấp tuổi tác nay đã gần 80 vẫn đều đặn vượt nửa vòng trái đất về đứng nơi đây để tấu lên khúc nhạc buồn. Một lần khi tiếng đàn vừa dứt, tôi hỏi chuyện, ông đã không nén nổi xúc động: “Vụ thảm sát ở Sơn Mỹ là một tội ác. Tôi tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam dù không trực tiếp ở đây nhưng cũng là một sai lầm, một tội ác và tội ác ấy đã góp phần gây ra nhiều đau khổ, tang thương và chết chóc cho nhân dân Việt Nam. Trở về Mỹ và nghĩ về những gì mình đã làm, tôi không thể nào xóa được ký ức. Điều quan trọng là tôi hướng đến tương lai, hòa bình để chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam”.

Từ 31 năm trước, Mike Boehm đã lập ra Tổ chức Madison Quakers, Inc kết nối các cựu binh Mỹ để hỗ trợ những phụ nữ nghèo tỉnh Quảng Ngãi, và hoạt động bền bỉ, hiệu quả đến tận hôm nay.

2. Mấy ngày nay tôi liên tục theo dõi tài khoản Facebook của kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng về cuộc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ tại ấp Chòi Dúng, xã Bình Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) với sự cung cấp thông tin và trực tiếp tham gia của một số cựu binh Úc. Gần 20 hài cốt trong tổng số 42 liệt sĩ Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) hy sinh ngày 26/5/1968 nơi đây đã được tìm thấy dưới hơn 6 m đất đá. Cùng với đó là những kỷ vật của các liệt sĩ như súng đạn, dao găm, tăng võng, dép cao su… Có hộp dầu cao Sao vàng vẫn còn bên trong, có những chiếc bi đông đựng nước bị đạn bắn thủng lỗ chỗ, có cả chiếc nhẫn, những đồng 2 xu, 5 xu bằng nhôm được xâu dây cẩn thận, cả chiếc bút máy Hồng Hà gần 60 năm còn viết được…

Nhớ cũng thời điểm này hai năm trước, về Bình Định tôi ngủ lại nhà Thiếu tá cựu chiến binh Đặng Hà Thụy ở Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, để sáng hôm sau cùng ông lên điểm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên đồi Xuân Sơn (Hoài Ân) cách đó vài chục cây số. Trong trận đánh ác liệt tại ngọn đồi này rạng sáng 27/12/1966, 70 bộ đội thuộc Trung đoàn 22 Sư đoàn 3 Sao Vàng của ta đã hy sinh nằm lại chiến trường.

Người Hàn Quốc tạ lỗi tại lễ tưởng niệm vụ thảm sát Hà My (Quảng Nam).

Ông Thụy ngót 80 tuổi, là người suốt mấy chục năm kiếm tìm đồng đội. Mấy năm trước đó, thông qua kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng, cũng là người có biệt tài tìm kiếm thông tin liệt sĩ, ông lên mạng tìm kiếm các cựu binh Mỹ từng trực tiếp tham gia trận này. Trái đất thật nhỏ: ông Thụy đã tìm được một nhóm cựu binh gồm Spencer John Mattoson, Robert Paul March, Stephen Holmes Hasselt, Comar Johnson, Jerry Dolloff, Ivory Whitaker Jr., Thomas Crabtree, Stephen Chestnut – đều tham chiến trên đồi Xuân Sơn đêm đó, nay đã ngoài 80, có người 90 tuổi. Từ những thông tin, bản đồ, hình ảnh vệ tinh do nhóm cựu binh Mỹ cung cấp, Tỉnh đội Bình Định đã tìm thấy hài cốt 60 liệt sĩ, và ngày 17/4/2022 trang trọng tổ chức lễ truy điệu và an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Hoài Ân, có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự. Sau đó đoàn cựu binh Mỹ đã được mời sang Việt Nam thăm lại chiến trường xưa…

Lúc cùng ông Thụy và những cán bộ Tỉnh đội Bình Định leo lên ngọn đồi Xuân Sơn để định vị tìm kiếm những hài cốt liệt sĩ còn lại, nhìn xuống cỏ cây và đất đỏ dưới chân, tôi cứ bồi hồi. Biết bao xương máu còn nằm lại nơi này, trong thinh lặng… Nghĩ về những cựu binh Mỹ, Úc, Hàn từng gặp, từng chia sẻ những thông tin chiến sự cùng bao nỗi niềm tâm sự.

Vĩ thanh của một thời đạn bom chết chóc, tôi nghĩ chính là khi lòng người không còn giới tuyến…

Trần Tuấn


Ý kiến bạn đọc