Multimedia Đọc Báo in

Ký ức của người lính làm nghĩa vụ quốc tế

09:02, 10/07/2022

Năm nay đã gần 70 tuổi nhưng ký ức những ngày tham gia chiến đấu, thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia vẫn luôn in hằn trong ký ức Đại tá Trần Việt Vương, nguyên Phái viên đội công tác tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia (thuộc Đoàn 5502, Mặt trận 579).

Đầu năm 1979, Trần Việt Vương nhập ngũ vào Đại đội 21, Trung đoàn 733, Sư đoàn 315 với nhiệm vụ bảo vệ con đường huyết mạch mang tên 194 từ huyện Veun Sai đến trung tâm tỉnh Natarakiri (Campuchia), bảo vệ hành lang quân sự, đường dây thông tin liên lạc quan trọng. Đến tháng 4/1979, ông là một trong những cán bộ được tuyển chọn tham gia lớp tập huấn phái viên cấp xã, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ giúp nước bạn Campuchia.

Đại tá Trần Việt Vương bên bộ quân phục.

Thời gian này, mặc dù Campuchia đã được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo Khmer Đỏ nhưng đất nước bạn phải đối mặt với nhiều khó khăn, hệ thống chính quyền của Campuchia chưa được thành lập, các đối tượng thù địch vẫn lẩn trốn trong nhân dân, chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã tan rã nhưng chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo hành động theo ba giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn đầu do người dân Campuchia chưa có gì, Việt Nam sẽ thực hiện “Việt Nam làm giúp Campuchia”. Khi người dân Campuchia đã có cơ sở, Việt Nam chuyển sang khẩu hiệu “Ta, bạn cùng làm”. Giai đoạn ba là “Bạn làm, ta giúp” - nghĩa là khi người dân Campuchia đã đủ khả năng, người dân Campuchia yêu cầu tới đâu Việt Nam giúp tới đó. Cuối cùng, khi chính quyền Campuchia thực sự lớn mạnh thì Việt Nam rút toàn bộ quân tình nguyện về nước.

Có mặt trong giai đoạn đầu giúp nước bạn Campuchia, người lính Trần Việt Vương cùng đồng đội nhận nhiệm vụ tại tỉnh Mondulkiri là giúp bạn thành lập lực lượng dân quân du kích và tham gia xây dựng chính quyền cấp thôn, cấp xã. Ông nhớ lại: Trong hành trang đến nước bạn Campuchia, mỗi người lính Việt Nam phải thuộc lòng, nhớ kỹ và thực hiện nghiêm 10 lời thề danh dự của quân nhân, 12 điều kỷ luật, 9 điều quy định ở chiến trường. Tuyệt đối “cho không lấy, thấy không xin”, không được lấy bất cứ thứ gì của người dân. Thời điểm đó, chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã tạo ra các công xã, dồn dân, không chợ, không bệnh viện, không trường học...

Bộ đội Việt Nam đã đưa người dân Campuchia về lại quê cũ, hướng dẫn người dân cách trồng sắn, trồng lúa, làm lại nhà cửa, trường học, bệnh viện. Để ổn định bước đầu, bộ đội Việt Nam giúp thêm gạo, thêm muối cho người dân ổn định lại cuộc sống. Sau đó, thành lập hệ thống chính quyền từ cấp thôn, cấp xã, cấp huyện. Tại cấp thôn, phái viên đội công tác hướng dẫn thành lập tổ du kích, lựa chọn những thanh niên khỏe, không tham gia chế độ của Pôn Pốt đưa vào huấn luyện thành lực lượng dân quân du kích cho nước bạn, để lực lượng này bảo vệ thôn, xã. Đồng thời, tham gia tổ chức hệ thống chính trị, nhỏ nhất như Đội Thiếu niên tiền phong, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Tổ đoàn kết sản xuất.

Đai tá Trần Việt Vương (ngoài cùng bên trái) trong thời gian tham gia nghĩa vũ quốc tế tại Campuchia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đại tá Vương kể: Phái viên cấp xã nhiều nhất có 3 đồng chí, phải độc lập, tác chiến xa đơn vị, cận kề sinh tử. Ngày đó, Pôn Pốt "treo giá" mỗi phái viên của Việt Nam từ 4 - 6 cây vàng, thưởng cho người giết được phái viên Việt Nam. Có lần địch vào tận giường nổ súng hòng tiêu diệt ông và đồng đội, nhưng với sự may mắn và dày dạn kinh nghiệm trong chiến đấu nên ông và đồng đội đã thoát chết trong gang tấc.

Những năm tháng giúp nước bạn, dù trải qua muôn vàn gian khổ, khó khăn và hiểm nguy nhưng cũng là quãng thời gian đáng tự hào của người lính Trần Việt Vương.  Với 9 năm cống hiến tại nước bạn, Đại tá Trần Việt Vương được Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; Đảng và Nhà nước Việt Nam tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huy hiệu “Vì nghĩa vụ quốc tế” và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trở về nước tiếp tục công tác ở nhiều cương vị khác nhau và giờ đây, trở về cuộc sống đời thường, ông vẫn là thành viên tích cực của Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia tỉnh Đắk Lắk (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia TP. Buôn Ma Thuột), tiếp tục xây dựng và vun đắp mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia.

Nguyễn Ngọc Lân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.