Multimedia Đọc Báo in

Yếu tố mới trong Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017

12:27, 17/02/2017

Yếu tố mới đáng ghi nhận trong Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 là ngoài hoạt động diễn tấu cồng chiêng trong đêm khai mạc và bế mạc, âm thanh thiêng liêng này còn được cất lên trong môi trường “thiêng” của nó - là gắn kết với các nghi lễ Cầu mưa, Kết nghĩa anh em (người Êđê); Mừng lúa mới (người K’ho); Lễ bắt máng nước (người Sêđăng), Lễ cưới (người M’nông) và Lễ cúng Nhà rông (người Bana).

Phải nói rằng “chiếc nôi” sinh thành nên di sản văn hóa mang tầm vóc thế giới ấy đã được Ban tổ chức Liên hoan xác lập và hướng tới như động thái hiểu biết thấu đáo và tôn vinh cồng chiêng một cách xứng đáng.

Nhiều người cho đó là bước tiến trong cảm nhận về Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên sau hơn 10 năm di sản này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hơn thế, qua đó còn cho thấy đường hướng bảo tồn, phát huy vốn văn hóa tiêu biểu này một cách khoa học và khả thi đã mở ra cho những giai đoạn tiếp theo - phải trả cồng chiêng lại cho cộng đồng sở hữu nhằm nuôi dưỡng, phát triển giá trị văn hóa ấy một cách bền vững và đúng bản chất trong không gian lễ hội, tâm linh, tín ngưỡng dân gian vốn dĩ của các tộc người tại chỗ.

Đoàn nghệ nhân Đắk Lắk diễn tấu cồng chiêng tại Liên hoan Nghệ thuật Dân gian Tây Nguyên tổ chức ở Kon Tum  tháng 4-2016.      Ảnh: H. Gia
Đoàn nghệ nhân Đắk Lắk diễn tấu cồng chiêng tại Liên hoan Nghệ thuật Dân gian Tây Nguyên tổ chức ở Kon Tum tháng 4-2016. Ảnh: H. Gia

Nhìn vào chương trình Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm nay, có các phần nghi lễ nói trên gắn kết với hoạt động diễn xướng cồng chiêng, nghệ nhân Ama Pô - Đội trưởng đội cồng chiêng buôn Kô Siêr (Phường Tân Lập - TP. Buôn Ma Thuột) tỏ ra bằng lòng và cho rằng: Đó mới là âm thanh ngàn đời của người Tây Nguyên. Âm thanh đó mỗi khi được đánh lên trong nghi lễ nhất định mới thông đạt với Yàng và các vị thần linh. Bằng không, cồng chiêng ở đây chỉ là nhạc cụ thuần túy, khiến người nghe cũng như người trong cuộc không lĩnh hội hết “tính thiêng” của nó. Nói cách khác, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được xác lập và lan tỏa theo “tinh thần của UNESCO” nằm chính trong chiều sâu tâm linh cùng với nghi lễ truyền thống cụ thể và sinh động kia.

Biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016. Ảnh: H. Gia
Biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016. Ảnh: H. Gia

Thẩm định của nghệ nhân Ama Pô và nhiều người am hiểu cồng chiêng Tây Nguyên đối với Liên hoan lần này quả thật xác đáng - và họ bằng lòng, vui mừng là phải. Bởi nó sẽ khắc phục được hạn chế của hai kỳ Liên hoan trước (vào đầu năm 2007 tại TP. Buôn Ma Thuột và cuối năm 2012 tại phố núi Pleiku) là âm thanh cồng chiêng đã bị loãng ra, trôi tuột trên sân khấu hoành tráng và hiện đại. Đến nỗi cố Giáo sư Trần Văn Khê phải thốt lên: Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên không nằm nơi chốn màu mè ấy, mà phải ở trong không gian tâm linh, nghi lễ bắt buộc. Ở đó, khi tiếng chiêng cất lên, mọi người sẽ biết và nhận ra chủ nhân của vốn văn hóa vô cùng đặc sắc, độc đáo ấy đã gửi đi và thông đạt điều gì?! 

     Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.