Multimedia Đọc Báo in

Thước đo văn hóa công vụ...

08:22, 20/01/2019

Còn nhớ cách đây đã bốn năm, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ được tổ chức vào tháng 4-2014, khi ấy đồng chí Nguyễn Xuân Phúc còn là Phó Thủ tướng, ông đã phát biểu rằng: “Cán bộ, công chức, viên chức phải biết bốn xin đối với người dân là xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. Phải rèn luyện điều này, để thực sự do dân, vì dân”.

Câu chuyện “bốn xin” giờ đã trở thành một trong những tiêu chí cụ thể để đánh giá văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước, khi vào thời điểm cuối cùng của năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án văn hóa công vụ.

Trong từng thời điểm, ở một số ngành, cơ quan, văn hóa công vụ đã được cụ thể dưới hình thức các quy tắc ứng xử. Tuy nhiên, vấn đề này được Chính phủ xây dựng thành một đề án chung đã khẳng định sự cần thiết và quan trọng của việc hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo đề án, văn hóa công vụ được xem xét, đánh giá qua bốn nội dung trọng tâm: tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp ứng xử; chuẩn mực đạo đức, lối sống; trang phục của cán bộ, công chức, viên chức.

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND TP. Buôn Ma Thuột giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Lan Anh
Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND TP. Buôn Ma Thuột giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Lan Anh

Đề án đã tổng hợp và xuất phát từ chính những “căn bệnh” khiến xã hội bức xúc thời gian qua để xây dựng thành các tiêu chí đánh giá văn hóa công vụ. Trong đó, đáng chú ý là cán bộ, công chức, viên chức phải sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc; phải tuân thủ thứ bậc hành chính, không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng đối với lãnh đạo cấp trên.

Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo không lợi dụng vị trí công tác để bổ nhiệm người thân quen; chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín. Về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, tiêu chí được đánh giá đầu tiên là phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân; thực hiện "bốn xin, bốn luôn": xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

Không chỉ dừng lại ở phạm vi một đề án, người dân thêm nhiều kỳ vọng khi để hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ, Chính phủ giao Bộ Nội vụ trong năm 2019 nghiên cứu, đề xuất, bổ sung quy định về văn hóa công vụ trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Điều đó đã nâng tầm quan trọng, từng bước luật hóa vấn đề văn hóa công vụ.

Với đề án này, Chính phủ tiếp tục tỏ rõ quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính năng động, hiệu quả, trong sạch và vì dân. Đề án cũng có thể là một trong những "phương thuốc" hữu hiệu để thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW (khóa XII) với chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả cùng với đó là tinh giản biên chế, bởi vấn đề cốt lõi để tiếp tục đổi mới chính là ở con người thực thi công vụ. Xây dựng một nền hành chính vì dân, chuyên nghiệp, trách nhiệm, đó cũng là cách cụ thể hóa học tập chuyên đề năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.