Multimedia Đọc Báo in

Thông điệp hòa bình từ câu chuyện về chiến tranh

12:09, 28/04/2020

Suy tư và xúc động là cảm nhận chung của mỗi người khi đến thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TP. Hồ Chí Minh.

Sự khác biệt này so với những bảo tàng khác nằm ở chính đặc trưng về nội dung và cách thức mà nó thể hiện, chuyển tải câu chuyện về sự thật tàn khốc của chiến tranh, về những đau thương, mất mát cũng như tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam.

Qua nhiều chuyên đề trưng bày thường xuyên với hàng nghìn tài liệu, phim ảnh, hiện vật về chiến tranh, Bảo tàng thu hút đông đảo khách tham quan, trong đó khách nước ngoài chiếm một tỷ lệ lớn. Họ tìm thấy gì ở đây? Cùng với những thước phim tài liệu sống động, đi kèm mỗi hình ảnh, hiện vật đều có chú thích, chú giải chi tiết bằng tiếng Việt và tiếng Anh để khách tham quan có thể nắm bắt. Khách đến đây nhiều thành phần, quốc tịch, giới tính, mỗi người có thể cảm nhận theo góc độ của riêng mình, nhưng hầu như đều không khỏi trầm ngâm, suy tư trước mỗi thông tin hiển hiện sự tàn khốc của chiến tranh. Những khu vực trưng bày hình ảnh, tư liệu do những nhà báo, nhiếp ảnh gia nước ngoài trực tiếp thực hiện trong và sau cuộc chiến tại Việt Nam với những chủ đề cụ thể như ảnh hưởng của chiến tranh đến những người lính và dân thường, hậu quả chất độc da cam… luôn trĩu nặng nỗi niềm, bước chân khách tham quan. Các gian trưng bày giữ nhiệt độ mát lạnh, mà nhiều khách lặng lẽ đẫm mồ hôi, dường như “độ nóng” của những sự kiện cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn chưa nguôi ngoai.

Hình ảnh lính Mỹ thảm sát, tra tấn thường dân.
Hình ảnh lính Mỹ thảm sát, tra tấn thường dân.

Việt Nam - Chiến tranh và Hòa bình, Thế giới với chiến tranh ở Việt Nam, Câu chuyện của những nạn nhân chất độc màu da cam…, mỗi chủ đề trưng bày nơi đây là những câu chuyện cụ thể về một giai đoạn lịch sử đẫm máu và nước mắt mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu, khiến người xem không khỏi phẫn nộ hay đau xót. Có quá nhiều hình ảnh khủng khiếp về những cuộc càn quét, thảm sát, tra tấn, rải thảm bom đạn, chất độc khai quang… mà người xem hôm nay chỉ có thể dằn lòng cảm nhận chứ không thể, không nỡ diễn tả nên lời. Hơn nửa thế kỷ qua rồi mà nhiều du khách từ nửa bên kia bán cầu đến đây vẫn lặng lẽ cúi đầu trong ân hận, xót thương.

Cùng với hình ảnh, những hiện vật trưng bày ở Bảo tàng cũng cho thấy mức độ hủy diệt khủng khiếp của chiến tranh. Dường như các loại máy bay, xe tăng, bom đạn được xem là hiện đại, tối tân nhất, mức độ sát thương lớn nhất lúc ấy đều được kẻ thù huy động cho cuộc chiến này. Một mảnh bom quăn queo đã han rỉ, hay chùm đạn pháo còn nguyên đã tháo kíp, hay một khẩu súng còn xanh ánh thép nằm yên trong tủ kính… dù được trưng bày dưới dạng nào cũng đều gợi lên sự chết chóc đến rợn người, nhắc đến bao đau thương, mất mát mà dân tộc ta đã phải gánh chịu. Chiến tranh, đó là điều khủng khiếp, mong sao điều đó đừng bao giờ xảy ra nữa.

Du khách thăm khu trưng bày chứng tích chiến tranh.
Du khách thăm khu trưng bày chứng tích chiến tranh.

Nhưng đạn bom man rợ không khuất phục được một dân tộc anh hùng, từ trong đau thương mất mát, toàn dân đã anh dũng, kiên cường chiến đấu bảo vệ non sông. Trong cuộc đấu tranh ấy, chúng ta không đơn độc, chúng ta được ủng hộ bảo vệ lẽ phải, bảo vệ hòa bình. Khu vực trưng bày chuyên đề Làn sóng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam đã thể hiện rõ điều ấy, thông qua những tài liệu, hình ảnh kể về các hoạt động kêu gọi phản chiến của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và chính những người lính Mỹ tại ngũ, những hoạt động của cựu chiến binh Mỹ nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh... Cũng như hôm nay, rất nhiều du khách quốc tế đến đây để có sự nhìn nhận đầy đủ hơn với sự cảm thông và xúc động; cảm thông trước những đau thương, mất mát lớn lao mà Việt Nam đã phải gánh chịu trong một giai đoạn lịch sử; xúc động với những hy sinh, với nghị lực phi thường và ý chí chiến đấu mạnh mẽ, quật cường của một dân tộc. 

Tự thân chứng tích đã nói lên rất nhiều điều khiến du khách đến đây lắng chìm trong xúc động, suy tư. Có những đau thương không thể nói hết bằng lời, có những mất mát không thể đong đếm trong suốt dặm dài trường chinh của cả dân tộc mới đi đến ngày hòa bình thống nhất đất nước. Hiểu rõ điều đó để thêm biết ơn những người đi trước, để thêm trân trọng và có trách nhiệm vun đắp, gìn giữ cuộc sống hòa bình hôm nay.

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.