Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao "chất" và "lượng" đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (Kỳ 2)

08:51, 07/05/2020

Kỳ 2: Kết quả đạt được chưa như kỳ vọng

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mặc dù tỉnh đã rất quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) nhưng có thể thấy đội ngũ cán bộ người DTTS phát triển chưa vững chắc, trình độ học vấn, lý luận chính trị còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh và yêu cầu thực tế hiện nay.

“Hụt hẫng” về số lượng và chất lượng

Đến năm 2019, toàn tỉnh có 46.879 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, cán bộ người DTTS khối Đảng, đoàn thể chiếm 14,21%; khối hành chính sự nghiệp chiếm 12,1%; cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS chiếm 19,5%. Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, cán bộ người DTTS tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chiếm 29,82% (giảm 2,91% so với nhiệm kỳ trước). Nhiệm kỳ 2016 – 2021, số đại biểu HĐND tỉnh là người DTTS chiếm 28,2% (giảm 6,5% so với nhiệm kỳ trước), đại biểu HĐND cấp xã, phường, thị trấn là người DTTS chiếm 27,3% (giảm 3,9%). Như vậy có thể thấy, tỷ lệ cán bộ DTTS tham gia công tác trong khối Đảng, đoàn thể, hành chính sự nghiệp, đại biểu HĐND các cấp còn thấp so tỷ lệ người DTTS trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị tặng hoa cho sinh viên các dân tộc thiểu số học giỏi, xuất sắc.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị tặng hoa cho sinh viên các dân tộc thiểu số học giỏi, xuất sắc.

Thêm vào đó, mặc dù chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS đã được nâng lên nhưng vẫn còn có 0,95% cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy xã, phường, thị trấn có trình độ tiểu học, 11,75% có trình độ THCS; hơn 20% chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Huyện Ea Kar có 16 xã, thị trấn với 238 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó đồng bào DTTS chiếm 29% dân số. Đến năm 2019, số cán bộ, công chức, viên chức là người đồng bào, người DTTS khối Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chiếm 10,5% tổng số cán bộ của huyện; cán bộ, công chức xã, thị trấn là người DTTS chiếm 10,61%; cán bộ, công chức người DTTS khối sự nghiệp y tế - giáo dục chiếm 6,12%. Số đảng viên người DTTS cũng mới chỉ chiếm 14,67% số đảng viên toàn huyện.

Theo số liệu của Sở Nội vụ, đến năm 2019, toàn tỉnh vẫn còn 7% cán bộ, công chức và 20% viên chức người DTTS chưa đạt chuẩn ngạch và vị trí việc làm, cần đào tạo, bồi dưỡng.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy Ea Kar, mặc dù huyện đã quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, sử dụng, bố trí hợp lý cán bộ người DTTS, đội ngũ cán bộ DTTS của huyện đã có sự trưởng thành về nhiều mặt nhưng so với tỷ lệ dân số trên địa bàn thì tỷ lệ cán bộ DTTS của huyện vẫn còn thấp. Không những vậy, vẫn còn một số ít cán bộ DTTS còn hạn chế về trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; nguồn quy hoạch đội ngũ cán bộ cơ sở là người DTTS còn ít, thiếu bền vững.

Còn nhiều khó khăn, bất cập

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhưng kết quả đạt được vẫn chưa được như mong đợi. Một số cấp ủy đảng chưa có biện pháp, giải pháp đồng bộ, khả thi để tổ chức thực hiện tốt chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nguồn cán bộ DTTS chưa dồi dào để xây dựng quy hoạch, đào tạo, bố trí, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Chị H'Yam Bkrông (bìa trái), Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) giới thiệu sản phẩm cho du khách.
Chị H'Yam Bkrông (bìa trái), Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) giới thiệu sản phẩm cho du khách.

Không chỉ nguồn cán bộ người DTTS chưa dồi dào mà công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ này cũng còn nhiều bất cập. Theo Thạc sĩ Ngô Sáu, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS đã được quan tâm thực hiện nhưng chất lượng đào tạo chưa cao; nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, còn nặng về lý luận chung, chưa coi trọng đào tạo theo chức danh. Một số cơ quan, đơn vị cử cán bộ người DTTS đi đào tạo chưa sát với yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn mà cán bộ đang đảm nhận; vẫn còn tình trạng học chỉ để có bằng cấp. Bên cạnh đó, cán bộ người DTTS ở vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên tâm lý ngại đi học, không muốn công tác xa gia đình. Hơn nữa, do hạn chế về nhiều mặt nên bản thân cán bộ DTTS cũng khó tiếp thu, vận dụng những kiến thức, chuyên ngành được đào tạo…

Một thực tế nữa là trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị của cán bộ người DTTS cấp xã vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Krông Bông Nguyễn Hồng Hà dẫn chứng: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong số 196 ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp xã trong toàn huyện có 1 đồng chí trình độ học vấn phổ thông bậc tiểu học, 16 đồng chí bậc THCS; chuyên môn nghiệp vụ: sơ cấp 5 đồng chí, trung cấp 52 đồng chí; lý luận chính trị: sơ cấp 17 đồng chí. Toàn huyện hiện có 5 cán bộ người DTTS chủ chốt ở các xã Cư Đrăm, Ea Trul, Yang Reh, Hòa Phong, Dang Kang mặc dù đã được tạo điều kiện học bổ túc văn hóa nhưng đến nay vẫn chưa có bằng THPT vì thi 3 lần không đỗ tốt nghiệp nên không đủ điều kiện tiếp tục đưa vào quy hoạch. 

Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng biên chế, vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đã bão hòa và việc thực hiện chủ trương, kế hoạch tinh giản biên chế cũng gây khó khăn cho công tác tiếp nhận, bố trí việc làm cho người DTTS đã tốt nghiệp, kể cả số sinh viên đã học xong chương trình cử tuyển. Thực tế này càng yêu cầu các cấp ủy đảng phải tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy.

(Còn nữa)

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.