Multimedia Đọc Báo in

Bài học liên minh giai cấp trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

10:42, 12/09/2020

Xô viết Nghệ Tĩnh là đỉnh cao của cao trào đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ An và Hà Tĩnh trong những năm 1930 - 1931, là cuộc khởi nghĩa đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời. Lần đầu tiên, công nhân và nông dân sát cánh bên nhau trong đấu tranh chống kẻ thù chung. Lần đầu tiên, công nông và dân chúng tỏ rõ dấu hiệu đoàn kết với vô sản thế giới và biểu dương lực lượng của mình. Lần đầu tiên, những người lao động được quyền làm chủ xã hội, xây dựng và bảo vệ chính quyền mới.

Cao trào cách mạng diễn ra trên 25 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Nghệ Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất. Từ ngày 1-5-1930 đến tháng 8-1930, có 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân Nghệ Tĩnh, đó chính là tiền đề của Xô viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 9-1930, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nông dân phát triển tới đỉnh cao. Các khẩu hiệu đấu tranh chính trị được kết hợp với các khẩu hiệu đấu tranh về kinh tế. Hình thức đấu tranh như vũ trang tự vệ, biểu tình thị uy có vũ trang, tiến công vào cơ quan chính quyền của địch ở địa phương. Đặc biệt, cuộc đấu tranh của hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên nổ ra ngày 12-9-1930 để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh - Bến Thủy, phản đối chính sách khủng bố của bọn đế quốc và phong kiến tay sai. Sau đó, chính quyền Xô viết đầu tiên được hình thành tại nhiều xã thuộc các huyện, thị xã của hai tỉnh. Có thể khẳng định, Xô viết Nghệ Tĩnh đã trở thành ngọn cờ quy tụ và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ quần chúng lao động trong cả nước. Mặc dù chỉ tồn tại trong vòng 7 tháng và còn sơ khai nhưng đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công - nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước, nô lệ.

Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).    Ảnh: Báo Nghệ An
Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: Báo Nghệ An

Hoảng sợ trước sức tiến công mãnh liệt của cách mạng, đế quốc Pháp và tay sai quyết dìm phong trào Xô viết trong biển máu. Trận ném bom dã man xuống đoàn biểu tình của 8.000 nông dân phủ Hưng Nguyên ngày 12-9-1930 đã giết chết 217 người, làm bị thương 125 người, đốt trụi nhiều làng xóm; cùng với đó, chúng thi hành nhiều thủ đoạn đàn áp man rợ để uy hiếp tinh thần của nhân dân Nghệ Tĩnh.

Có thể nói, cao trào cách mạng 1930 - 1931 đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân thông qua chính đảng tiên phong của mình, đoàn kết với các tầng lớp nhân dân yêu nước có đủ khả năng lật đổ nền thống trị của đế quốc, phong kiến tay sai giải phóng dân tộc. Phong trào cách mạng 1930 - 1931 đã xây dựng được khối liên minh giai cấp công nhân, nông dân, thể hiện vai trò “công nông là gốc cách mệnh” như Cương lĩnh chính trị đầu tiên đề ra, đồng thời khẳng định là lực lượng chủ yếu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Xô viết Nghệ Tĩnh đã thể hiện bước đầu hình thành nghệ thuật tập hợp lực lượng, tổ chức, chỉ đạo đấu tranh cách mạng phong phú, sinh động của Đảng ta.

Phát huy truyền thống của Xô viết Nghệ Tĩnh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã vận dụng đúng đắn và sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về liên minh giai cấp. Xây dựng khối liên minh công - nông - trí thức làm lực lượng chủ lực của cách mạng là sự phát triển sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng cách mạng ở Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951), lần đầu tiên Đảng ta xác định vấn đề liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng với cách mạng Việt Nam. Tư tưởng này tiếp tục được khẳng định qua các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và trở thành vấn đề có tính nguyên tắc, đồng thời là vấn đề có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt Nam.

90 năm đã trôi qua, âm hưởng của Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn hừng hực nhuệ khí, vang mãi trong bản anh hùng ca cách mạng Việt Nam. Bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, liên minh giai cấp trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh mãi là ngọn lửa cho sức mạnh Việt Nam trong thời đại mới.

Hội nghị Trung ương 6 khóa X đã khẳng định: “Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam... lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo” để lực lượng này thực sự trở thành nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc.

Trong giai đoạn hiện nay, việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để xây dựng nước ta có nền công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại thì liên minh giai cấp công nhân, nông dân, trí thức là động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa, là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân, là sức mạnh của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi liên minh công, nông, trí thức được thiết lập, củng cố trên cơ sở các điều kiện khách quan sẽ trở thành nền tảng chính trị - xã hội vững chắc cho sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ thực sự của nhân dân, là tiền đề quyết định thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Đúng như đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Nếu không có những trận chiến đấu giai cấp rung trời chuyển đất những năm 1930 - 1931, trong đó công nông đã vung ra nghị lực cách mạng phi thường của mình, thì không thể có cao trào những năm 1936 - 1939”. Có thể khẳng định, Xô viết Nghệ Tĩnh là sự kiện khởi đầu cho sự toàn thắng của cách mạng nước ta trong thế kỷ 20. Bài học về sự liên minh giai cấp trong cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo vẫn và sẽ là bài học xuyên suốt có tính nguyên tắc trong lãnh đạo của Đảng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.