Multimedia Đọc Báo in

Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khảo sát kết quả thực hiện Quy định số 30-QĐ/TW

16:02, 10/11/2020

Sáng 10-11, Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương do đồng chí Cao Văn Thống, Ủy viên UBKT Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy về kết quả thực hiện Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26-7-2016 của Trung ương Đảng thi hành Chương VII, Chương VIII, Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Văn Nghĩa, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy; H’Lim Niê, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các ban, ngành, đơn vị, địa phương.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy định số 30 như: Bộ máy UBKT cấp cơ sở thường có sự thay đổi, cán bộ làm công tác kiểm tra phần lớn là kiêm nhiệm, công tác chuyên môn nhiều nên việc tiếp cận các quy định, quy trình, hướng dẫn còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm; Trung ương chưa có quy định về chế độ, chính sách đối với ủy viên UBKT kiêm chức cấp tỉnh, huyện và chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, ủy viên UBKT đảng ủy cơ sở nên chưa khuyến khích được những cán bộ có tâm huyết, trình độ, năng lực, kinh nghiệm về công tác…

Ủy viên UBKT Trung ương Cao Văn Thống quán triệt nội dung buổi làm việc.
Ủy viên UBKT Trung ương Cao Văn Thống quán triệt nội dung buổi làm việc.

Các đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy định 30 như: cần quy định cụ thể hơn về nội dung giám sát đối với đảng viên như tại Quy định số 195-QĐ/TW, ngày 18-6-2019 của Ban Chấp hành Trung ương; Trung ương chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ quy định bổ sung chức danh Phó Chủ nhiệm UBKT chuyên trách; nghiên cứu, quy định chế độ, chính sách cho chức danh UBKT các cấp và phu cấp đặc thù ngành kiểm tra đối với cán bộ làm công tác kiểm tra.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó, Trung ương cần quy định cụ thể về quyết định kỷ luật cách chức đối với đảng viên có nhiều chức vụ trong Đảng; quy định rõ việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong việc xử lý không kịp thời đối với đảng viên vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý; quy định cụ thể “thời hạn quy định của pháp luật” vì trong thực tế nhiều vụ việc kéo dài, đã hết thời gian gia hạn đình chỉ sinh hoạt đảng và gia hạn đình chỉ sinh hoạt cấp ủy theo quy định nhưng cơ quan thực thi pháp luật vẫn chưa hoàn tất công tác điều tra, truy tố, xét xử…   

Đồng chí Cao Văn Thống và Đoàn công tác đánh giá cao công tác triển khai thực hiện Quy định số 30 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua, đồng thời trao đổi, thống nhất một số nội dung và ghi nhận, nắm bắt những đề xuất, kiến nghị của tỉnh để kịp thời tham mưu Bộ Chính trị, Trung ương Đảng xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Lê Văn Nghĩa đóng góp ý kiến tại buổi làm việc.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Lê Văn Nghĩa đóng góp ý kiến tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn mong muốn, trên cơ sở báo cáo, kiến nghị, đề xuất của tỉnh Đắk Lắk, UBKT Trung ương sẽ tiếp tục quan tâm, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các cơ quan có thẩm quyền quy định rõ về hoạt động của UBKT các cấp cũng như hoạt động trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng. Đồng chí Phạm Minh Tấn cũng khẳng định: Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng theo đúng Điều lệ Đảng, Quy định số 30-QĐ/TW và các văn bản hướng dẫn của UBKT Trung ương.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.