Multimedia Đọc Báo in

Tạo động lực cho du lịch Đắk Lắk phát triển - Kỳ I

10:10, 22/08/2016

Đến năm 2020, ngành Du lịch đón khoảng 1,1 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 1.330 tỷ đồng. Và đến năm 2030 sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hàng năm đóng góp vào ngân sách từ 3-4% GDP… Đó là mục tiêu đặt ra trong Đề án Phát triển du lịch Đắk Lắk (giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030) sẽ được trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp lần thứ 2 khóa IX sắp tới.

Kỳ 1:  Nỗ lực tìm kiếm nhà đầu tư tầm cỡ

Thực tế cho thấy, đến nay trên địa bàn Đắk Lắk vẫn thiếu vắng những nhà đầu tư tầm cỡ và thực sự có tiềm lực tham gia vào lĩnh vực du lịch nhằm tạo ra dòng sản phẩm khác biệt, có đẳng cấp để thu hút du khách. Theo ông Phạm Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), có chăng những nhà đầu tư như thế thì cũng chỉ tồn tại trên… giấy (!) Ví như Dự án Khu du lịch Suối Xanh (phường Tân Lợi - TP. Buôn Ma Thuột) được Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên cam kết đầu tư với số vốn lên tới hơn 2.000 tỷ đồng từ năm 2004, đến nay vẫn “giẫm chân tại chỗ”, khiến UBND tỉnh ra quyết định gia hạn thời gian thực hiện dự án ít nhất đã hai lần. Tương tự, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi-giải trí hàng nghìn tỷ được quy hoạch tại xã Ea Kao-TP. Buôn Ma Thuột gần 8 năm qua vẫn không hấp dẫn được nhà đầu tư nào tìm đến. Một số dự án khác có nhu cầu vốn hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng như Khu du lịch Hồ Ea Kar-đồi Cư Cúc, Khu danh thắng Cư H’lâm-Cư M’gar, Khu vui chơi, giải trí văn hóa - sinh thái hồ thủy lợi Ea Drăng-Ea H’leo, Khu sinh thái Sơn Thủy-Ea Tam…vẫn còn là “tiềm năng”. Riêng điểm nghỉ dưỡng sinh thái Hồ Lắk, đến nay cũng mới được Công ty TNHH Du lịch Đường mòn Châu Á triển khai vài hạng mục nhỏ với sản phẩm du lịch không có gì vượt trội và đặc sắc.

Du khách cưỡi voi tham quan Hồ Lắk.
Du khách cưỡi voi tham quan Hồ Lắk.

Vì thế, nói như ông Phạm Tâm Thanh: Việc nỗ lực tìm kiếm nhà đầu tư tầm cỡ để hiện thực hóa tiềm năng trên là vấn đề cấp thiết đặt ra. Nhiều người cho rằng: Nếu như Khu du lịch Suối Xanh, Ea Kao được triển khai thực hiện đúng cam kết và lộ trình thì lượng khách, doanh thu cũng như chuỗi gia tăng giá trị từ “ngành công nghiệp không khói” này đã tăng gấp đôi so với hiện tại nhờ sản phẩm khác biệt và đẳng cấp được tạo ra từ ý tưởng biến đô thị Buôn Ma Thuột trở thành “Thiên đường cà phê” với tổ hợp khách sạn, nhà hàng, sân vườn, công viên, phố đi bộ… được quy hoạch, xây dựng đồng bộ và khép kín dọc dòng Suối Xanh nằm ngay trong lòng thành phố. Hoặc như Khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Ea Kao - có sân gôn 18 lỗ, có sản phẩm đua thuyền, lướt ván trên mặt hồ rộng gần 200 ha cùng với hệ thống resort, bể bơi và nhiều dịch vụ hỗ trợ khác sẽ là điểm nhấn đáng tự hào trong bức tranh du lịch của Đắk Lắk, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành kinh tế quan trọng này tại địa phương. Tuy nhiên, điều đó không trở thành hiện thực do công tác quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức.

Cưỡi voi thăm thú cảnh sắc thiên nhiên là sản phẩm du lịch đặc thù của Đắk Lắk.
Cưỡi voi thăm thú cảnh sắc thiên nhiên là sản phẩm du lịch đặc thù của Đắk Lắk.

Ông Đinh Một, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đắk Lắk chia sẻ: Phải thừa nhận rằng, từ khi thành lập Trung tâm (năm 2014), thì vấn đề xúc tiến và quảng bá du lịch trên địa bàn tỉnh có bước cải thiện đáng kể. Đó là hoạt động kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác du lịch ở địa phương với nhiều vùng, miền trên cả nước được thắt chặt, duy trì thường xuyên. Nhờ vậy lượng khách cũng như doanh thu ngành du lịch tăng lên qua từng năm. Song, công tâm mà nói thì nguồn lực dành cho việc quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư vào đây chưa nhiều, chưa thật sự ưu tiên. Ông Đinh Một dẫn chứng: Năm 2014, HĐND tỉnh đã có nghị quyết và thông qua khoản vốn bố trí  0,5% tổng thu ngân sách hằng năm để phát triển du lịch, trong đó tập trung trước hết vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở, xúc tiến và quảng bá hình ảnh du lịch Đắk Lắk đến với bạn bè, đối tác trong và ngoài nước. Thế nhưng, hai năm qua (2015-2016), khoản vốn được bố trí theo nghị quyết ấy vẫn không thấy ai đả động tới và không biết hiện đang ở chỗ nào (?!) Và dĩ nhiên, một khi không có kinh phí đủ mạnh để tổ chức, thiết kế hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào du lịch một cách rộng rãi, mạnh mẽ và có quyết tâm thì không thể mời gọi những nhà đầu tư tầm cỡ và đủ tiềm lực đến với du lịch Đắk Lắk.

Ông Đinh Một cho biết thêm: Ba năm qua, hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư của Trung tâm này còn gặp không ít khó khăn. Đơn giản như tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm du lịch cấp quốc gia (chứ chưa nói đến quốc tế) vẫn đang trong tình cảnh “đắp đổi”. Ví như Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam được tổ chức thường niên tại các thành phố lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), do không có điều kiện nên Trung tâm không thể tổ chức cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia thường xuyên. Do cách xúc tiến, quảng bá và thu hút đầu tư du lịch theo kiểu “được chăng, hay chớ” như vậy khiến đối tác nản lòng và sụt giảm niềm tin. Hạn chế, thậm chí là “lỗ hổng” này cần phải được khắc phục không những về mặt nhận thức đơn thuần, mà cả về chính sách kích cầu và phát triển du lịch để trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm tiếp theo.

Theo Đề án Phát triển du lịch Đắk Lắk (giai đoạn 2016-2020), để đạt được những mục tiêu trên cần tổng nhu cầu vốn lên tới 5.350 tỷ 134 triệu đồng. Số kinh phí này lấy đâu ra? Câu hỏi đó đã được nêu lên trong Hội nghị các thành viên UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành liên quan để thẩm định, hoàn thiện đề án trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp lần thứ 2 khóa IX sắp tới. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cho rằng phải gấp rút và quyết tâm đẩy mạnh việc mời gọi các doanh nghiệp thật sự có tâm huyết vào cuộc để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra; Không thụ động ngồi chờ, mà phải “xắn tay áo” lên cùng nhau thực hiện, từ chủ trương, chính sách cho đến tư duy kinh tế, quản trị, tổ chức và vận hành ngành du lịch như một ngành kinh tế thật sự. Vậy, động thái “xắn tay áo” ấy phải bắt đầu từ đâu để tạo ra những “cú hích” cần thiết giúp ngành du lịch Đắk Lắk phát triển đúng lộ trình?

(Còn nữa)

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.