Multimedia Đọc Báo in

Giảm nghèo đa chiều: Còn nhiều thách thức

09:53, 06/02/2018

Cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 15,24%, đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 vẫn còn không ít thách thức cho các địa phương trong thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững.

Theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều bao gồm về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin). Việc chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều đã tạo điều kiện để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân để có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn với nhu cầu và đặc tính của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững.

Hỗ trợ bò cho hộ nghèo phát triển sản xuất ở xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana).
Hỗ trợ bò cho hộ nghèo phát triển sản xuất ở xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana).

Năm 2017, tổng số vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh được giao trên 115 tỷ đồng (vốn đầu tư phát  triển trên 85 tỷ đồng; vốn sự nghiệp hơn 30 tỷ đồng), trong đó ngân sách Trung ương trên 107 tỷ đồng; nguồn vốn của tỉnh 8 tỷ đồng. Tỉnh đã phân bổ nguồn vốn cho 46 xã và 98 thôn  buôn để đầu tư 184 công trình gồm đường giao thông, nhà văn hóa, nhà cộng đồng, trường học, kênh mương thủy lợi… Đồng thời chỉ đạo các địa phương chú trọng thực hiện hỗ trợ sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 của Chính phủ. Tập trung giúp người dân thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới, năng suất hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác truyền thông về giảm nghèo, giảm nghèo về thông tin được thực hiện hiệu quả… Bên cạnh các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các chương trình lồng ghép khác cũng đã hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội như: nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, các chính sách dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của hộ nghèo. Từ đó, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,83% xuống còn 15,24%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 29,83%.

Trong năm 2018, nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên 128,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 120,4 tỷ đồng, của tỉnh 8,5 tỷ đồng. 

Theo Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG, mặc dù năm 2017 các chỉ tiêu về giảm nghèo của Đắk Lắk đạt và vượt kế hoạch đề ra nhưng việc giảm nghèo chưa thực sự bền vững do số hộ nghèo phát sinh còn cao khi có các yếu tố bất lợi như: giá cả, thiên tai, đau ốm… Đơn cử do ảnh hưởng của cơn bão số 12 đã làm phát sinh thêm 576 hộ nghèo và 831 hộ cận nghèo, đồng thời làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình. Bên cạnh đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa phương chưa đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở một số địa phương còn cao, toàn tỉnh còn 18 xã, 46 thôn, buôn có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, đặc biệt có 5 thôn, buôn tỷ lệ hộ nghèo trên 80%; có 5 huyện (Lắk, Krông Bông, M’Đrắk, Buôn Đôn, Ea Súp) chưa có xã nào đạt tiêu chí nông thôn mới về tỷ lệ hộ nghèo. Đặc biệt là việc thực hiện hỗ trợ giảm nghèo hiện chỉ mới thực hiện đối với hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập, còn hộ nghèo do thiếu hụt các dịch vụ xã hội thì chưa được hỗ trợ. Thêm vào đó, tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững còn chậm, đến 31-12-2017 mới đạt 80,71% kế hoạch, đã ảnh hưởng đến hiệu quả hỗ trợ trong năm đối với các hộ nghèo và cận nghèo.

Mô hình hỗ trợ hộ nghèo phát triển thủy sản ở huyện Krông Ana.
Mô hình hỗ trợ hộ nghèo phát triển thủy sản ở huyện Krông Ana.

Để thực hiện tốt mục tiêu toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,5-3%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, tại các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 4-4,5% trong năm 2018, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương cần thực hiện tốt 3 nhóm chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo tiêu chí thu nhập, giảm thiếu hụt các dịch vụ xã hội và chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng, từng bước thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã  hội, trong thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.