Multimedia Đọc Báo in

Thay đổi thói quen canh tác bằng ứng dụng khoa học công nghệ

08:57, 23/07/2018

Thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, thủ công để mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh giảm được chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận lên đáng kể.

Ông Mai Sỹ Ánh (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những nông dân đầu tiên đưa cây thanh long từ Bình Thuận về trồng tại địa phương từ hơn 10 năm trước. Sau một thời gian trồng thử nghiệm, thấy việc trồng cây thanh long không mất nhiều công sức cũng như chi phí chăm sóc, ít bị các loài sâu bệnh tấn công và khả năng chịu mưa, chịu nắng tốt, năng suất cũng cao nên ông đã mạnh dạn chuyển 1 ha cà phê già cỗi sang trồng loại cây này. Sau một thời gian trồng thử, cây thanh long phát triển rất tốt, năng suất đạt 2,5 tấn/ha, mang lại nguồn thu nhập bình quân 240 triệu đồng/năm. Để cây ra hoa, đậu quả theo ý mình, đặc biệt là vào thời điểm trái vụ, ông Ánh đã chủ động thắp đèn chiếu sáng để kích thích nhằm tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế. Theo ông Ánh, Đắk Lắk có khí hậu lạnh hơn so với Bình Thuận nên cần thời gian thắp sáng cây nhiều hơn, bình quân 8 - 10 giờ/đêm, liên tục trong khoảng 20 ngày tùy theo mùa và điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, biện pháp này khiến gia đình ông phải đối mặt với vấn đề về tổn thất điện năng. Được biết, mỗi héc-ta ông phải sử dụng 1.100 bóng đèn sợi đốt IL – 60W, chi phí tiền điện lên đến 50 triệu đồng/năm.

Vườn thanh long của gia đình ông Mai Sỹ Ánh (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột).
Vườn thanh long của gia đình ông Mai Sỹ Ánh (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột).

Trước thực trạng đó, cuối năm 2016, Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột đã phối hợp với UBND xã Cư Êbur và Công ty Cổ phần bóng đèn - phích nước Rạng Đông triển khai “Mô hình xử lý ra hoa trái vụ bằng bóng đèn compact chuyên dụng ánh sáng đỏ 20W cho cây thanh long” tại vườn của ông Ánh. Kết quả cho thấy, việc sử dụng bóng compact đỏ 20W đã giúp điện năng giảm hơn 60%, giảm tiền đầu tư về điện hơn 38 triệu đồng/ha mà tuổi thọ trung bình của loại bóng này bằng hoặc cao hơn bóng đèn sợi đốt 60W. Hiện nay mô hình này đã được nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã ứng dụng rộng rãi.

Trước đây, với hầu hết các hộ dân trồng cây cà phê, hồ tiêu thì mối lo việc chăm sóc, đầu tư cho vườn cây thế nào cho hợp lý luôn đặt lên hàng đầu. Với lối suy nghĩ cứ bón phân, tưới nước thật nhiều thì năng suất cây trồng sẽ cao; đồng thời, với đặc điểm tiện lợi, các loại phân vô cơ nghiễm nhiên trở thành lựa chọn của hầu hết các nhà vườn trồng, kinh doanh cà phê. Thực trạng này dẫn đến việc tăng chí phí đầu tư và tác động đến chất lượng, năng suất cây trồng. Do đó, để thay đổi thói quen, lối tư duy lạc hậu này của người dân, các ngành chức năng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, xây dựng một số mô hình sản xuất bền vững để người dân tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm; đặc biệt là việc ứng dụng các biện pháp tưới tiết kiệm và sử dụng phân bón hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp đã giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng trong khi chi phí đầu tư lại giảm.

Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Bình (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar), trước đây gia đình chị thường sử dụng phân bón hóa học cho hơn 1 ha diện tích đất trồng cây cà phê và tiêu, điều này khiến đất càng ngày càng cằn cỗi, bạc màu, cây sinh trưởng kém, năng suất thấp. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy lợi ích của việc bón phân hữu cơ, gia đình chị đã chủ động tận dụng vỏ cà phê sau khi thu hoạch để ủ phân rồi bón cho cây trồng.  Nhờ đó, không những giảm được trên 30% chi phí đầu tư so với phân bón hóa học mà còn khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường từ việc đốt vỏ cà phê, làm tăng độ phì nhiêu cho đất, nâng cao năng suất cây trồng. Được biết, hiện nay gần như 100% hộ gia đình trên địa bàn xã Ea Kpam đều áp dụng cách làm này, trung bình mỗi năm xử lý khoảng 2.000 tấn vỏ cà phê, tiết kiệm được chi phí đầu tư cho nông dân hàng tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Bình (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) sử dụng phân bón  hữu cơ cho  cây trồng.
Chị Nguyễn Thị Bình (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng.

Có thể khẳng định, với việc mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ dân đã có thể làm chủ được các quy trình sản xuất, đó là việc lai tạo con, cây giống với năng suất, chất lượng cao hơn; tạo ra sản phẩm theo chủ ý và thời gian mình mong muốn; chủ động phòng ngừa dịch bệnh hay có thể tăng khả năng kháng bệnh cho cây trồng, vật nuôi… Những kết quả đó không chỉ làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhiều nông dân mà còn tác động mạnh mẽ tới việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, nâng cao đời sống của bà con.

Theo số liệu thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất ngày càng nhiều, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi… đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm đến 95%.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.