Multimedia Đọc Báo in

Nuôi dê nhốt chuồng - hướng phát triển kinh tế của nhiều nông hộ ở Ea H'leo

09:18, 05/09/2018

Thời gian gần đây, mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng được nhiều hộ nông dân huyện Ea H’leo mạnh dạn phát triển bởi hiệu quả mà mô hình này mang lại.

Sau thời gian dài nuôi heo không hiệu quả vì giá cả thị trường thất thường, chi phí chăn nuôi cao, năm 2016 với số vốn 15 triệu đồng được vay từ Hội Nông dân xã, chị Nguyễn Thị Tần (thôn 5, xã Ea Ral) quyết định mua 6 con dê giống Bách Thảo về nuôi. 

Đàn dê của gia đình chị Nguyễn Thị Tần (thôn 5, xã Ea Ral).
Đàn dê của gia đình chị Nguyễn Thị Tần (thôn 5, xã Ea Ral).

Theo chị Tần, dê Bách Thảo dễ nuôi, ít bệnh, sinh sản rất nhanh, cứ 5 tháng sinh 1 lứa từ 2-3 con, trung bình một con cái có thể sinh từ 15-17 lứa, dê con nuôi 5-6 tháng có thể xuất bán. Sau lứa nuôi đầu tiên thuận lợi, gia đình chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố rộng 100 m2, hiện tại đàn dê có 30 con, trong đó có 12 con dê giống. Trung bình mỗi ngày, đàn dê của gia đình chị Tần ăn hết gần 1 tạ lá cây các loại. Hiện bình quân mỗi năm gia đình chị xuất bán hơn 30 con dê thịt và khoảng 10 con dê giống với giá 130.000 đồng/kg, thu về hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, từ việc chăn nuôi dê, chị có thể tận dụng nguồn phân bón hữu cơ để chăm bón thêm cho 5 sào cà phê xen hồ tiêu của gia đình.

Tương tự, gia đình ông Hoàng Xuân Thọ (thôn 6, xã Ea Nam) nuôi dê đã được 2 năm nay. Từ 4 con dê giống Bách Thảo ban đầu, đến nay tổng đàn đã tăng lên 30 con. Ông Thọ cho biết, với đặc tính dê là loài động vật có sức đề kháng cao, thức ăn chủ yếu là các loại cỏ, lá cây, không cần thức ăn tinh bột nên chăn nuôi dê không vất vả và tốn kém chi phí như các vật nuôi khác. Nhờ nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có quanh năm như lá cây bơ, keo, mít, gòn… được hái ở rẫy nhà, chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ nên đàn dê nhà ông Thọ không hề bị dịch bệnh. Sau khi trừ chi phí, ông Thọ thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.

Ông Hoàng Xuân Thọ (thôn 6, xã Ea Nam) nuôi dê bằng nguồn thức ăn từ các loại lá cây có sẵn tại vườn nhà.
Ông Hoàng Xuân Thọ (thôn 6, xã Ea Nam) nuôi dê bằng nguồn thức ăn từ các loại lá cây có sẵn tại vườn nhà.

Toàn huyện Ea H’leo hiện có trên 100 hộ gia đình áp dụng mô hình chăn nuôi dê với quy mô từ 10-40 con dê/hộ, tập trung ở các xã Ea Nam, Ea Hiao, Ea Sol, Dliê Yang… mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi tại địa phương. Với mức giá dê thương phẩm được các thương lái trong và ngoài tỉnh đến tận nơi thu mua 90.000-100.000 đồng/kg, dê giống thì cung cấp cho địa phương và các địa bàn lân cận với giá dao động 130.000/kg, người dân có nguồn thu nhập thường xuyên ổn định, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Hiệu quả là vậy, nhưng hiện nay hầu hết các nông hộ đều áp dụng mô hình chăn nuôi dê theo hướng tự phát, chưa có sự liên kết sản xuất, vì thế để nghề nuôi dê phát triển bền vững, đem lại hiệu quả, Hội Nông dân huyện đã khuyến cáo bà con cần chú ý đến nhu cầu thị trường, giữ ổn định số lượng đàn, nắm vững kỹ thuật chăm sóc để tránh những rủi ro trong chăn nuôi dê.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.