Khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới
Trong xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch xây dựng (QHXD) là công việc mang tính tiền đề, có tầm quan trọng trước mắt cũng như lâu dài. Bởi đây là nội dung giúp hoạch định phát triển những không gian trên từng địa bàn các xã một cách toàn diện.
Xác định rõ vai trò hàng đầu của tiêu chí số 1 này (trong bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới), tỉnh đã đặc biệt quan tâm thực hiện và toàn tỉnh đã có 152/152 xã đã QHXD nông thôn mới. UBND các xã đã kịp thời công bố, công khai các nội dung đồ án QHXD nông thôn mới và Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch được duyệt cho các tổ chức, cá nhân biết và giám sát trong quá trình thực hiện Chương trình nông thôn mới. Hiện nay, các đồ án QHXD xã nông thôn mới đều được lập theo Thông tư số 09 của Bộ Xây dựng (về Quy định việc lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới) và có bổ sung một số nội dung về quy hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất được quy định trong Thông tư liên tịch số 13 của Bộ Xây dựng, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc lồng ghép các quy hoạch ngành liên quan sẽ giúp các địa phương đơn giản, dễ thực hiện hơn đối với công tác QHXD nông thôn mới.
Thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo) - trung tâm tiểu vùng phía Bắc của tỉnh những năm gần đây được đầu tư phát triển về nhiều mặt. Ảnh: N.Hoa |
Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng các đồ án QHXD xã nông thôn mới chỉ đáp ứng được yêu cầu là làm cơ sở cho việc xây dựng các Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã trong giai đoạn trước mắt, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài. Việc lập QHXD vùng huyện theo Quyết định số 676/QĐ-TTg, ngày 18-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ thì chỉ đang triển khai thực hiện. Điều này có nghĩa là quy hoạch nông thôn mới hiện vẫn còn thiếu tính liên kết vùng trong các mặt tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng hạ tầng khung, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn cấp huyện.
Thêm vào đó, công tác quản lý xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch của cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng còn gặp nhiều lúng túng so với quản lý xây dựng theo quy hoạch ở khu vực đô thị. Bởi thực tế ở khu vực nông thôn hiện nay, việc quản lý xây dựng theo quy hoạch chỉ diễn ra đối với khu vực xây dựng có dự án (chủ yếu đối với xây dựng công trình công cộng xã). Các công cụ giúp cho quản lý xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch như công bố quy hoạch, cắm mốc quy hoạch, quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch được thực hiện rất hạn chế. Do đó, sau khi các đồ án QHXD xã nông thôn mới được phê duyệt chỉ mới thực hiện công bố quy hoạch, còn việc cắm mốc quy hoạch xây dựng, toàn tỉnh mới có 9 xã hoàn thành. Cho nên mới có trường hợp, chính quyền địa phương lên danh mục mời gọi đầu tư, doanh nghiệp thấy phù hợp đến tìm kiếm cơ hội, nhưng đành phải “lắc đầu” vì sau khi khảo sát, hiện trạng đất không như quy hoạch, đã bị người dân lấn chiếm, xâm canh…
Quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn liền với quản lý xây dựng theo quy hoạch các khu đất ở, tạo thành khu dân cư nông thôn bền vững; bảo đảm kết nối vùng trong phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường… là những vấn đề cần được quan tâm hơn nữa từ các nhà làm quy hoạch. Phải làm sao để công tác quy hoạch nói chung và QHXD nông thôn mới nói riêng thể hiện tầm nhìn, mang tính ổn định, hạn chế tình trạng quy hoạch phải chạy theo sự phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc