Multimedia Đọc Báo in

Thị trường kính mắt: Nỗi lo mua hàng "rởm", giá "hàng hiệu"

08:55, 17/05/2019

Bên cạnh các cửa hàng uy tín, nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh mắt kính tại TP. Buôn Ma Thuột dù có quy mô lớn, nằm ở vị trí trung tâm nhưng vẫn bày bán công khai hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Tại TP. Buôn Ma Thuột, mắt kính được bày bán khá phong phú, có đến hàng trăm loại với các thương hiệu như Rayban, Gucci, Dior, Chanel... được giới thiệu là nhập từ Mỹ, Úc, Canada... Giá của những sản phẩm này từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Đối với mắt kính dành cho người cận thị, viễn thị thì thường có giá từ 400.000 - 1 triệu đồng/sản phẩm. Riêng dòng mắt kính thời trang thì có giá cao hơn, tầm vài triệu đồng/sản phẩm, chủ yếu nằm ở các dòng sản phẩm có thương hiệu.

Cụm từ “mắt kính hàng hiệu” đã không còn mấy xa lạ với người tiêu dùng. Điều đáng nói, dù người bán khẳng định là hàng được nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng trong số đó, có cả hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc. Không ít người tiêu dùng mất tiền thật khi mua phải hàng giả với giá “chính hãng”, bởi việc phân biệt với hàng thật không hề dễ dàng. Chính việc “vàng thau lẫn lộn” khiến người mua không biết đâu là giá trị đích thực của sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Ngọc Nhi (phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, một số sản phẩm cũng có dán tem hẳn hoi, nhưng người mua dễ nhầm lẫn, không xác định được tem thật hay giả, vì thế không có gì bảo đảm sẽ mua được hàng thật.

Kính mắt  vi phạm được  cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu.
Kính mắt vi phạm được cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu.

Thời gian gần đây, với sự đa dạng của thị trường mắt kính, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng tăng lên thì vi phạm ở lĩnh vực này càng diễn ra phức tạp. Không phải cứ vào cửa hàng sang trọng, mua sản phẩm đắt tiền là sẽ có chất lượng tốt. Thủ đoạn thường thấy của các cửa hàng này là trà trộn hàng thật với hàng trôi nổi theo kiểu “vàng thau lẫn lộn” để bày bán, “qua mắt” người tiêu dùng. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì rất khó phát hiện, lực lượng chức năng phải có hàng đối chứng, soi qua các thiết bị và bằng biện pháp nghiệp vụ thì mới có thể phát hiện được.

Trên thực tế, hầu như đợt kiểm tra nào của cơ quan chức năng cũng phát hiện vi phạm. Chỉ tính từ ngày 11 đến 18-4 vừa qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã tiến hành kiểm tra đột xuất 3 cửa hàng kinh doanh mắt kính tại TP. Buôn Ma Thuột và phát hiện cả 3 vụ vi phạm. Qua đó, tịch thu 180 mắt kính hiệu Mister và 1.900 mắt kính không nhãn mác, không xác định được nguồn gốc, xuất xứ đang chuẩn bị tiêu thụ ra thị trường.

Điển hình là vụ vi phạm tại cửa hàng kinh doanh mắt kính do ông Vũ Sơn Hà (số 112 Phan Bội Châu) làm chủ với 800 sản phẩm là kính đeo mắt, gọng kính, tròng kính (trị giá trên 120 triệu đồng) không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang được bày bán công khai với các sản phẩm mắt kính hợp pháp khác. Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa nói trên và khai nhận, toàn bộ số hàng trên được mua trôi nổi trên thị trường và về bán lại kiếm lời. UBND tỉnh đã xử phạt chủ hộ kinh doanh số tiền 35 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo tìm hiểu được biết, đa phần sản phẩm mắt kính "nhái", “rởm” đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, giá trị thật chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Người bán thường mua  từng sản phẩm riêng biệt như: tròng, giọng kính rồi về dán nhãn, phân loại để bán và đẩy giá lên cao. Còn  người tiêu dùng thì bị “che mắt” bởi những phụ kiện đi kèm như hộp, túi đựng, thẻ hãng...

Đối phó với tình trạng này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng. Về phía người tiêu dùng, để tránh mua phải hàng rởm, cần lựa chọn, khám mắt và mua kính ở những nơi có uy tín, là đại lý của các đơn vị nhập khẩu chính hãng. Trong đó, nên lựa chọn các cửa hàng, cửa hiệu đáp ứng các tiêu chí: có dịch vụ đo và khám mắt, có thiết bị soi ánh sáng, thử tròng kính. Đặc biệt, sản phẩm phải có nhãn mác, có đầy đủ giấy bảo hành chính hãng của các đơn vị nhập khẩu hoặc nhà phân phối chính hãng.

Thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã tiến hành kiểm tra mặt hàng này và liên tiếp phát hiện, thu giữ hàng nghìn sản phẩm mắt kính trôi nổi. Riêng trong năm 2018, Cục QLTT tỉnh đã tịch thu và tiêu hủy hơn 5.000 sản phẩm mắt kính trôi nổi, nhập lậu.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.