Multimedia Đọc Báo in

Tín dụng phục vụ tái canh cà phê: Hiệu quả nhìn từ Công ty 720

14:00, 29/11/2019

Thời gian qua, Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) đóng vai trò quan trọng trong việc đưa chính sách tín dụng ưu đãi đến với người dân. Trong đó, tín dụng ưu đãi phục vụ chương trình tái canh cà phê đã bắt đầu phát huy hiệu quả tích cực.

Công ty TNHH MTV Cà phê 720 (Công ty 720) có hơn 300 ha cà phê, chủ yếu được trồng trong giai đoạn 1983 – 1988 nên đã già cỗi, năng suất, chất lượng kém. Trước thực tế đó, từ năm 2008, Công ty 720 đã bắt đầu thực hiện tái canh cà phê, nhưng do không có vốn đầu tư nên chỉ thực hiện ở quy mô nhỏ lẻ.

Đến năm 2013, nhờ có sự hỗ trợ của Agribank Đắk Lắk thông qua nguồn vốn ưu đãi của chương trình tái canh cà phê, Công ty 720 bắt đầu thực hiện tái canh đồng loạt trên toàn bộ diện tích của đơn vị. Trong đó, đến nay công ty đã đưa vào giao khoán được 150 ha. Giám đốc Công ty 720 Võ Khắc Thông cho biết, đơn vị không chạy theo diện tích mà tập trung bảo đảm chất lượng cà phê tái canh. 

Cán bộ Agribank Đắk Lắk kiểm tra vườn cà phê tái canh đã cho thu hoạch của Công ty Cà phê 720.
Cán bộ Agribank Đắk Lắk kiểm tra vườn cà phê tái canh đã cho thu hoạch của Công ty Cà phê 720.

Bên cạnh thực hiện quy trình tái canh theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT, đơn vị còn chủ động thiết lập quy trình phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, đặc biệt là khâu xử lý tuyến trùng đất. Do đó, có nhiều diện tích được đưa vào trồng mới chỉ sau hơn 1 năm xử lý đất, nhưng cũng có những diện tích phải sau 3 năm mới trồng (khuyến cáo của Bộ NN-PTNT là sau 2 năm nhổ bỏ mới trồng lại). Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật nhằm tái canh bền vững cho công nhân và người nhận khoán. 

Nhờ đó đến nay toàn bộ diện tích cà phê tái canh của công ty đều phát triển tốt, từng bước khẳng định hiệu quả về năng suất và chất lượng cà phê nhân, với năng suất thực tế đạt gần 18 tấn cà phê tươi/ha (tăng gần 3 tấn so với cà phê trước khi tái canh). Nhờ đó, năm 2019 công ty cũng đã bắt đầu thực hiện trả nợ ngân hàng với số tiền 2,7 tỷ đồng (cả gốc và lãi) đối với những diện tích đã cho thu hoạch. Hiện dư nợ của công ty tại Agribank còn 12,5 tỷ đồng.

Từ hiệu quả của diện tích cà phê đã tái canh xong có thể thấy, cùng với sự hỗ trợ tài chính từ phía ngân hàng, nếu đơn vị nào có sự quyết tâm và chủ động, sáng tạo thì chắc chắn sẽ tái canh thành công. Theo ông Võ Khắc Thông, hiện Công ty 720 còn hơn 100 ha cà phê đã nhổ bỏ, nhưng chưa trồng mới. Nếu không nhận được sự hỗ trợ kịp thời về vốn của ngân hàng, số diện tích này khó có thể thực hiện tái canh kịp như kế hoạch đề ra. Cùng với đó, do thời gian từ trồng mới, kiến thiết vườn cây đến kinh doanh mất thời gian gần 6 năm, nhưng hiện nay theo quy định thì vốn vay tái canh cà phê chỉ được ân hạn 4 năm cũng khiến doanh nghiệp gặp những khó khăn nhất định trong việc xoay vòng vốn. Chưa kể, trong thời gian này mặc dù chưa có thu hoạch, nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước.

 

“Tái canh cà phê về bản chất là trồng mới. Trong khi các loại cây trồng khác nếu trồng mới thì doanh nghiệp sẽ được miễn tiền thuê đất trong quá trình kiến thiết vườn cây, nhưng khi tái canh cà phê thì doanh nghiệp vẫn phải nộp khoản tiền này. Đây là một trong những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để doanh nghiệp tích cực hơn trong việc tái canh cà phê”.


 
Ông Võ Khắc Thông, Giám đốc Công ty Cà phê 720

Theo đại diện Agribank Đắk Lắk, Agribank luôn là đơn vị tiên phong, sẵn sàng và dành nguồn vốn ưu tiên cho các chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung và tái canh cây cà phê nói riêng trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Agribank đang rất nỗ lực để mang đến cho khách hàng những ưu đãi tốt nhất qua chương trình tái canh cây cà phê, lãi suất cho vay của chương trình hiện đang thấp hơn lãi suất huy động vốn.

Ngoài ra, ngân hàng còn ân hạn cho người dân, doanh nghiệp tới 4 năm đầu, sau đó mới thu nợ gốc và lãi. Đây là nỗ lực rất lớn của phía ngân hàng đối với một chủ trương lớn, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất cà phê, giúp ổn định kinh tế, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay, giúp công cuộc tái canh cây cà phê diễn ra mạnh mẽ và đạt hiệu quả tốt hơn, ngoài sự vào cuộc của Agribank còn cần sự vào cuộc tích cực của người dân và của các cấp các ngành.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.