Multimedia Đọc Báo in

Để hoạt động các cụm công nghiệp hiệu quả

09:56, 27/12/2019

Thời gian qua, các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và sử dụng đất công nghiệp.

Nhiều tồn tại, hạn chế

Thực tế cho thấy, mặc dù quỹ đất, mặt bằng cho hoạt động sản xuất công nghiệp khá lớn, nhưng việc sử dụng đất của nhiều dự án chưa hiệu quả, gây lãng phí đất CCN. Theo Sở Công thương, qua rà soát tại các địa phương cho thấy, nhiều dự án hoạt động được một thời gian thì ngừng; dự án xây dựng dở dang không có khả năng đầu tư tiếp, chỉ xây dựng kho bãi mà không có nhà xưởng sản xuất, dự án thuê diện tích đất lớn nhưng chỉ xây dựng một phần đất, còn lại không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích và dự án đăng ký mà không triển khai.

Cụ thể, toàn tỉnh có 27 dự án đã tạm ngưng, ngừng hoạt động hoặc ngừng đầu tư tiếp với tổng diện tích hơn 57 ha. Đơn cử, tại CCN Tân An 1 (TP. Buôn Ma Thuột) có 8 dự án sử dụng đất chưa hiệu quả, diện tích gần 7,4 ha; CCN Krông Búk 1 (huyện Krông Búk): 4 dự án, hơn 13 ha; CCN Ea Lê (huyện Ea Súp): 4 dự án, 8,6 ha; CCN M’Đrắk (huyện M’Đrắk): 2 dự án, 8 ha…

Một dự án hoạt động trong Cụm công nghiệp Tân An 2, TP. Buôn Ma Thuột.
Một dự án hoạt động trong Cụm công nghiệp Tân An 2, TP. Buôn Ma Thuột.

Về mô hình quản lý CCN, theo quy định tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP, ngày 25-5-2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN thì Nhà nước ưu tiên cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật CCN. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, mô hình quản lý này khó thực hiện do doanh nghiệp không mặn mà đầu tư hoặc thiếu tiềm lực tài chính.

Điển hình như Công ty TNHH MTV Đầu tư và Kinh doanh hạ tầng công nghiệp Ngọc Hùng được UBND tỉnh giao đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Krông Búk 1, nhưng 7 năm nay hầu như không thực hiện. Còn tại CCN Tân An 1, Tân An 2, Công ty Cổ phần giao thông Hồng Lĩnh triển khai đầu tư hạ tầng một cách ì ạch, kéo dài.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng chưa thành lập bộ máy quản lý CCN, nên buông lỏng trong quản lý, điều hành CCN, lúng túng trong xử lý chấm dứt hợp đồng cho thuê lại đất công nghiệp, thu hồi đất của các dự án vi phạm… Do việc giao CCN cho doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả, địa phương đang vận dụng hình thức quản lý khác như: trung tâm phát triển CCN, ban quản lý CCN thuộc UBND huyện. Tuy nhiên, việc thành lập, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp này chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn, lúng túng cho địa phương trong quá trình thực hiện.

Không phát triển một cách dàn trải

Theo Sở Công thương, Quy hoạch phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 xác định, đến năm 2020, toàn tỉnh có 15 CCN, tổng diện tích 551,4 ha; giai đoạn 2021 – 2025, phát triển thêm 9 CCN, diện tích 661 ha. Hiện toàn tỉnh có 11 CCN đã được thành lập tại các huyện Ea Kar, M’Đrắk, Ea H’leo, Ea Súp, Cư Kuin, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột. Các huyện Krông Ana, Krông Pắc, Krông Bông chưa thành lập CCN. UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cho 14 CCN, diện tích đất quy hoạch hơn 692 ha, trong đó, đất sản xuất công nghiệp gần 466 ha, vốn đầu tư hạ tầng 2.141 tỷ đồng.

Toàn tỉnh hiện có 147 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư vào các CCN, tổng diện tích hơn 245 ha, trong đó, 84 dự án đang hoạt động, diện tích 123 ha, tạo việc làm cho 3.352 lao động địa phương.

Việc quy hoạch, phát triển CCN tại các huyện, thị xã, thành phố góp phần tận dụng nguồn nguyên liệu của từng vùng, thu hút dự án đầu tư, qua đó, mang lại giá trị sản xuất công nghiệp và tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, quy hoạch phát triển CCN còn dàn trải, kéo dài, thiếu tập trung, hầu hết huyện nào cũng có CCN nhưng hoạt động thiếu hiệu quả.

Tại một số địa phương, tỉnh đã có quyết định thành lập CCN, nhưng trên thực tế thì chưa hình thành, chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút các dự án vào sản xuất. Về vấn đề này, UBND tỉnh đã yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành rà soát, đánh giá và xây dựng phương án phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh theo hướng tập trung phát triển các CCN trọng tâm, trọng điểm để CCN sớm phát huy hiệu quả, không phát triển dàn trải nhằm tránh lãng phí tài nguyên đất và nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt, không nhất thiết huyện nào cũng phải có CCN nếu khả năng không có hiệu quả. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN để khuyến khích, thu hút nhà đầu tư, nhất là những doanh nghiệp có đủ năng lực về vốn và kinh nghiệm quản lý, đầu tư xây dựng CCN.

Một góc Cụm công nghiệp Ea Ral, huyện Ea H'leo.
Một góc Cụm công nghiệp Ea Ral, huyện Ea H'leo.

UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã có văn bản số 10215/UBND-CN, ngày 12-12-2019 chỉ đạo các sở, ngành địa phương thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết những tồn tại, vướng mắc và nâng cao hiệu quả hoạt động của các CCN. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra và xử lý các dự án đầu tư bằng ngân sách Nhà nước vi phạm về quản lý đầu tư xây dựng. Đối với các dự án thuê đất trong CCN vi phạm về quản lý, sử dụng đất không đưa đất vào sử dụng, sử dụng không đúng mục đích hoặc sai hợp đồng thuê đất thì xử lý, thu hồi, nhằm tránh lãng phí quỹ đất công nghiệp. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu, trong thời gian tới, cơ quan chức năng, địa phương giám sát, xử lý các dự án vi phạm về quy hoạch, xây dựng và chất lượng công trình…

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.