Multimedia Đọc Báo in

Chung sức xây dựng nông thôn mới

09:34, 25/09/2020

Với sự góp sức mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân, phong trào thi đua “Đắk  Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới” đã làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn từ cơ sở hạ tầng đến đời sống vật chất, tinh thần và đặc biệt là nhận thức của đa số người dân.

Đồng lòng góp sức

Khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều có xuất phát điểm rất thấp so với mặt bằng chung toàn quốc. Cụ thể, toàn tỉnh chỉ mới đạt 508/2.888 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 17,6%; bình quân mỗi xã đạt 3,34 tiêu chí; đặc biệt, nhiều xã ở các huyện khó khăn, huyện biên giới chỉ đạt từ 1 - 2 tiêu chí. Năm 2015, có 7 xã đạt chuẩn NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 10,43 tiêu chí/xã. Đến thời điểm hiện tại đã có 52 xã đạt chuẩn NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 14,8 tiêu chí/xã, tăng 4,37 tiêu chí so với năm 2015; TP. Buôn Ma Thuột đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Một nhóm nông hộ  ở xã Ea Kao  (TP. Buôn Ma Thuột) liên kết sản xuất  cà phê sạch  với Công ty TNHH  Một thành viên MINUDO-Care.
Một nhóm nông hộ ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) liên kết sản xuất cà phê sạch với Công ty TNHH Một thành viên MINUDO-Care.

Đạt được những kết quả này, ngoài sự đầu tư của Nhà nước và các ban, ngành còn có phần đóng góp không nhỏ của các tầng lớp nhân dân. Theo đó, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện đóng góp tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất làm đường… để cùng địa phương xây dựng NTM. Điển hình như cựu chiến binh Vũ Ngọc Nhanh (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar) không chỉ vượt khó vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng với nguồn thu nhập mỗi năm hơn 1,5 tỷ đồng, mà gia đình ông còn hỗ trợ cho UBND xã hơn 40 tấn xi măng, hàng chục mét khối đá để làm đường bê tông nông thôn. Hay như ông Lưu Hữu Ca vốn là người dân ở xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) hiện đang làm chủ một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đã tự nguyện ủng hộ xã tổng số tiền 445 triệu đồng xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bê tông hóa sân trường học, làm đường giao thông nông thôn và điện thắp sáng… Bà H’Bin Niê (buôn Tring 4, xã Ea B’lang, TX. Buôn Hồ) đã hiến gần 1.000 m2 đất của gia đình để xây nhà sinh hoạt cộng đồng buôn. Được biết, trước đây do không có nhà sinh hoạt cộng đồng nên mỗi lần họp buôn đều phải mượn nhà dân. Đến khi buôn Trinh 4 được Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa, bà H’Bin đã tự nguyện hiến một phần đất của gia đình để làm.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình  NTM giai đoạn 2015 - 2020 hơn 28.000 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp tiền mặt khoảng 1.200 tỷ đồng, hiến trên 750.000 m2 đất, trên 150.000 ngày công lao động... để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, sân thể thao, nhà văn hóa...

Diện mạo xã nông thôn mới

Giai đoạn 2015 - 2020, phong trào thi đua “Đắk Lắk chung sức xây dựng NTM” có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng khang trang, văn minh hơn; kết cấu hạ tầng thiết yếu được nâng cấp; đời sống người dân từng bước được cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; an ninh trật tự được giữ vững.

Nông dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) thu hoạch cà phê.
Nông dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) thu hoạch cà phê.

Như ở xã Ea B’lang (TX. Buôn Hồ) được công nhận xã đạt chuẩn NTM (năm 2018) với sự đổi thay hiện rõ ở từng nếp nhà, ngõ xóm. Vùng đất vốn hoang sơ ngày nào nay đã trở nên trù phú, hiện đại hơn. Những con đường đất đỏ lầy lội đều đã được đổ thảm nhựa rộng rãi, sạch đẹp; những ngôi trường được đầu tư xây dựng khang trang; mỗi thôn, buôn đều có nhà văn hóa cộng đồng…  Cùng với đó, nhân dân đã biết phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, phát triển bền vững; tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Có được những kết quả này là nhờ sự huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng; trong đó, nhân dân đóng góp tiền mặt, ngày công lao động và hiến đất với tổng số tiền trên 9,5 tỷ đồng.

Dự kiến đến cuối năm 2020, lũy kế toàn tỉnh có 65 xã đạt chuẩn NTM (ước vượt kế hoạch 4 xã), vượt chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy và nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra.

Tương tự, hoàn thành chương trình xây dựng NTM từ năm 2015, bộ mặt nông thôn mới ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đổi thay từng ngày; trong đó, nổi bật hơn cả là đời sống nhân dân ngày càng cải thiện nhờ việc thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã biết tận dụng lợi thế về đất đai màu mỡ, khí hậu trong lành, nguồn lao động sẵn có để chuyển đổi, phát triển kinh tế, như mô hình vườn cây ăn trái sạch, trồng cà phê tiêu chuẩn VietGAP, trồng cây dổi lấy hạt… mang lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững.

“Sau 5 năm triển khai thực hiện, tỉnh  Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ hăng say, nhiệt huyết tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng NTM. Đặc biệt, từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước thì nay đã chuyển sang chủ động, xác định rõ lợi ích và trách nhiệm của mình với cộng đồng, tự lựa chọn công trình, phần việc thiết thực, phù hợp để xây dựng NTM tại địa phương, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, hướng dẫn và hỗ trợ”, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.

Thúy Hồng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.