Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả phát triển cây khoai tây ở Ea Drơng

06:17, 22/11/2020

Là loại cây ngắn ngày, có hiệu quả kinh tế cao, khoai tây đang được nhiều người dân xã Ea Drơng (huyện Cư M’gar) lựa chọn để phát triển sản xuất, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Trong một lần tham dự hội thảo, tham quan một số mô hình trồng khoai tây ở Lâm Đồng, nhận thấy hiệu quả từ loại cây này, cuối năm 2017, anh Bùi Anh Dũng (buôn Táh B) đã thuê đất của Nông trường Cao su Phú Xuân để trồng thử nghiệm khoai tây trên diện tích 1 ha. Trước khi gieo trồng, gia đình anh đã ký kết với Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam bao tiêu sản phẩm và được công ty hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, phân bón… Sau 3 tháng trồng, ruộng khoai tây của gia đình anh thu được 28 tấn củ/ha, với giá bán 8.200 đồng/kg, anh thu lời khoảng 60 – 70 triệu đồng/ha. Sản xuất thành công từ vụ đầu, anh Dũng mở rộng diện tích trồng lên từng năm. Vụ mùa năm nay, anh trồng 12 ha khoai tây, hiện đã xuống giống được một tháng và cây phát triển xanh tốt.

Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Drơng (bên trái) tham quan mô hình sản xuất khoai tây của người dân.
Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Drơng (bên trái) tham quan mô hình sản xuất khoai tây của người dân.

Theo anh Dũng, khoai tây là loại cây ưa khí hậu lạnh, nên chỉ trồng được vào thời điểm gần cuối năm. Để cây đạt năng suất, chất lượng cao, người trồng cần làm tốt khâu làm đất, xử lý đất, tạo luống và tuân thủ các quy trình bón phân, phun thuốc để phòng ngừa các bệnh liên quan đến tuyến trùng, bệnh sương muối do ảnh hưởng của thời tiết.

Nhận thấy nhiều người phát triển thành công mô hình trồng khoai tây, tháng 10 vừa qua, gia đình anh Hoàng Văn Cường (thôn An Phú) cũng đã thuê 7 ha đất của Nông trường Cao su Cuôr Đăng trong vòng 3 tháng (với giá 15 triệu đồng/ha) để xuống giống trồng khoai tây. Anh đầu tư khoan giếng để lấy nước tưới và mua hai máy đánh luống, hệ thống tưới nhỏ giọt… trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị để phục vụ cho sản xuất. Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam cũng ký kết bao tiêu sản phẩm cho gia đình anh và đưa ra mức giá cố định, khi đăng ký trồng đợt 1 (từ giữa tháng 10 dương lịch) công ty sẽ thu mua với giá 8.800 đồng/kg, còn đợt 2 (trồng từ tháng 11) là 8.200 đồng/kg, nên gia đình tính toán trước được lợi nhuận khi thu hoạch.

Anh Hoàng Văn Cường (thôn An Phú) đang dùng máy đánh luống cho ruộng khoai tây
Anh Hoàng Văn Cường (thôn An Phú) đang dùng máy đánh luống cho ruộng khoai tây.

Anh Cường cho biết, trồng khoai tây đòi hỏi đầu tư vốn lớn (150 triệu đồng/ha), nhưng loại cây này nhanh cho thu hoạch, lại dễ chăm sóc, chủ yếu sử dụng máy móc nên giảm được sức lao động. Là vụ đầu trồng khoai tây, nên anh vừa chăm sóc cây kỹ lưỡng vừa học hỏi, nắm bắt kỹ thuật, với hy vọng mùa vụ này ruộng khoai tây sẽ đạt năng suất, chất lượng cao.

Bà H’Zang Niê, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Drơng cho biết, trên địa bàn xã hiện có hơn 20 hộ dân sản xuất khoai tây, với diện tích khoảng 45 ha. Người dân chủ động phát triển mô hình một vụ khoai lang – một vụ khoai tây, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, cây khoai tây thuận lợi hơn về đầu ra, giá cả cao hơn so với cây khoai lang. Khoai tây lại phù hợp với đất đai, khí hậu tại địa phương nên năng suất trung bình đạt 26 - 30 tấn/ha, sản phẩm thu được có chất lượng cao. Để phát triển khoai tây, vốn đầu tư ban đầu khá lớn, từ vụ thứ hai trở đi sản xuất ổn định, vốn đầu tư giảm dần, lợi nhuận tăng lên. Xã cũng vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.