Multimedia Đọc Báo in

Phát triển BHYT hộ gia đình ở huyện Ea Súp: Khó đạt mục tiêu đề ra

08:31, 29/05/2018

Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) được xem là “cứu cánh” khi người dân chẳng may ốm đau, bệnh tật. Nhưng trên thực tế, ngoài các đối tượng tham gia bắt buộc hoặc được nhà nước hỗ trợ BHYT, việc phát triển loại hình BHYT tự nguyện, hộ gia đình ở huyện nghèo Ea Súp còn gặp không ít khó khăn.

Hiểu về BHYT nhưng vẫn không tham gia

Bà H’Bep Mtao, trú tại buôn A2, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp vào viện được 2 ngày trong tình trạng đau bụng chưa rõ nguyên nhân. Gia cảnh không lấy gì làm khá giả, lại không có thẻ BHYT nên thời gian nằm điều trị tại bệnh viện bà chẳng những không có được bữa ăn đủ dinh dưỡng cho người bệnh mà còn nơm nớp lo lấy tiền đâu để thanh toán viện phí. 

Được biết, gia đình bà H’Bep mới được công nhận thoát nghèo chưa đầy 2 năm, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, vợ chồng bà quanh năm lam lũ với nương rẫy cũng không đủ trang trải cuộc sống của gia đình 8 người. Trước đây, gia đình bà được hỗ trợ BHYT hộ nghèo, nhưng từ khi thoát nghèo, chỉ riêng người con út là trẻ em dưới 6 tuổi nên được cấp BHYT, 7 người còn lại trong nhà đều không tham gia BHYT nữa vì điều kiện kinh tế khó khăn. Bà H’Bep chia sẻ: “Được nghe tuyên truyền nhiều lần tôi cũng hiểu được tham gia BHYT sẽ được hỗ trợ rất nhiều khi đau ốm. Nhưng nhà tôi đông con mà kinh tế thì chẳng lấy gì là khá giả, lấy đâu ra một lúc mấy triệu đồng để mua BHYT”.

Chuyên viên của BHXH huyện Ea Súp hướng dẫn người dân kê khai thủ tục cấp thẻ BHYT.
Chuyên viên của BHXH huyện Ea Súp hướng dẫn người dân kê khai thủ tục cấp thẻ BHYT.

Cũng như bà H’Bep, trên địa bàn huyện Ea Súp cũng có rất nhiều trường hợp bị bệnh vào viện nhưng không có BHYT, trong đó một số trường hợp mắc bệnh phải điều trị dài ngày với chi phí lớn. Đặc biệt, khi giá dịch vụ y tế tăng từ 2-3 lần (bắt đầu từ 1-6-2017), những người không tham gia BHYT vẫn sẽ phải chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện. Điều này đã khiến không ít người bệnh khó khăn về kinh tế phải bỏ dở quá trình điều trị.

Đi tìm nguyên nhân vì sao nhiều người dân trên địa bàn chưa mặn mà với BHYT tự nguyện, hộ gia đình, một đại lý thu BHXH, BHYT ở thị trấn Ea Súp cho biết: “Hầu như không ngày nào chúng tôi không đến các hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tham gia BHYT, thậm chí có những nhà chúng tôi đến 3-4 lần. Người dân nghe tuyên truyền cũng nắm được lợi ích thiết thực BHYT mang lại,  nhiều gia đình đã đồng ý tự nguyện tham gia, nhưng cũng không ít người vẫn từ chối với lý do không có tiền để mua BHYT. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là nhiều hộ có điều kiện kinh tế cũng không mặn mà với BHYT, bởi họ thường có khuynh hướng lựa chọn bệnh viện tư để khám chữa bệnh và chọn mua các gói bảo hiểm thương mại với quan niệm tham gia bảo hiểm thương mại sẽ được hưởng mức chi trả cao hơn”.

Vẫn khó chuyện “phủ sóng”  BHYT toàn dân

Theo ông Trần Hồng Thái, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện, Ea Súp là huyện nghèo của tỉnh, ngoài lực lượng tham gia BHYT bắt buộc thì đa số người dân đều thuộc đối tượng được nhà nước cấp thẻ BHYT. Hiện toàn huyện chỉ có 3 địa phương cần tập trung tuyên truyền, vận động để phát triển đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, hộ gia đình, đó là thị trấn Ea Súp và 2 xã Ea Lê, Ea Bung. Để thực hiện kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, hộ gia đình, thời gian qua BHXH huyện đã mở rộng hệ thống đại lý, đẩy mạnh tuyên truyền đến từng thôn, buôn và từng hộ gia đình. Với hoạt động tích cực của các đại lý, trong 4 tháng đầu năm 2018, toàn huyện đã vận động được 400 đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, hộ gia đình, nâng tỷ lệ bao phủ BHYT của huyện đạt 89,25% dân số.

Cán bộ BHXH huyện Ea Súp và đại lý thu BHXH, BHYT của thị trấn Ea Súp tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về chính sách BHYT.
Cán bộ BHXH huyện Ea Súp và đại lý thu BHXH, BHYT của thị trấn Ea Súp tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về chính sách BHYT.

Tuy vậy, việc “phủ sóng” BHYT ra toàn dân tại huyện Ea Súp hiện vẫn còn có những khó khăn, trở ngại. Ông Trần Hồng Thái cho biết thêm, năm 2018, BHXH huyện Ea Súp được giao kế hoạch phát triển trên 3.000 đối tượng BHYT, nhưng 4 tháng đầu năm mới đạt được hơn 400 đối tượng, do đó khả năng hoàn thành kế hoạch của năm là rất thấp. Khó khăn lớn nhất mà đơn vị này đang phải đối mặt đó là nhiều người dân vẫn còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, chưa tự giác tham gia để bảo vệ cho gia đình và bản thân. Ngoài ra, điều kiện kinh tế khó khăn, hay công tác tiếp đón, khám, điều trị tại cơ sở y tế chưa đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều người dân chưa mặn mà với BHYT.

Có thể thấy, trong bối cảnh giá dịch vụ y tế tăng cao, việc tham gia BHYT tự nguyện sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân khi chẳng may ốm đau phải đến cơ sở y tế khám và điều trị. Song, để thực hiện BHYT tự nguyện, hộ gia đình tiến đến BHYT toàn dân ở một địa phương còn nhiều khó khăn như Ea Súp, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng còn phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể  và từng người dân.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.