Multimedia Đọc Báo in

Để bảo hiểm xã hội tự nguyện "hấp dẫn" người dân

08:21, 16/09/2018

Qua hơn 10 năm triển khai loại hình bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đã từng bước giúp người lao động tự do, người dân ở khu vực nông thôn giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc BHXH tỉnh NGUYỄN THỊ XUÂN về công tác phát triển đối tượng tham gia loại hình bảo hiểm này trên địa bàn tỉnh.

°Bà có thể khái quát đôi nét về công tác phát triển loại hình BHXH tự nguyện và kết quả thực hiện trên địa bàn tỉnh?

Chính sách BHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế, hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống. BHXH tự nguyện được thực hiện từ năm 2008 và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ với số người tham gia tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2009, toàn tỉnh chỉ có 255 người tham gia BHXH tự nguyện, thì trong 8 tháng đầu năm 2018 đã có 1.839 người tham gia, tăng hơn 7 lần.

Cùng với số thu, số người tham gia, số người hưởng chế độ BHXH tự nguyện cũng tăng dần qua từng năm, điều này cho thấy chính sách BHXH tự nguyện ở  nước ta ngày càng phát triển và thực sự đi vào cuộc sống. Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có hơn 400 người hưởng lương hưu từ BHXH tự nguyện.

°Mặc dù BHXH tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, song độ bao phủ BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp so với tiềm năng. Vậy theo bà, nguyên nhân do đâu?

Tính đến hết tháng 8-2018, toàn tỉnh mới chỉ có 1.839 người tham gia BHXH tự nguyện, tỷ lệ còn rất thấp so với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng và thường xuyên liên tục, chưa đa dạng về hình thức, trong khi đó một bộ phận dân cư, đặc biệt là người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn còn chưa biết nhiều về chính sách BHXH tự nguyện; thu nhập của người lao động ở nông thôn còn thấp, không ổn định trong khi giai đoạn từ 2008 - 2015 mức đóng BHXH tự nguyện còn cao so với thu nhập của đa số người dân.

Bên cạnh đó, mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện còn ít, sự am hiểu về chế độ chính sách BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng cũng như kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục người dân tham gia còn hạn chế; chính quyền địa phương một số nơi chưa thực sự vào cuộc, sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan BHXH chưa thường xuyên. Ngoài ra, cũng phải thừa nhận chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn, bởi khi tham gia người lao động chỉ được hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất, trong khi các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… lại chỉ có ở chính sách BHXH bắt buộc.

°Được biết, bắt đầu từ 1-1-2018, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối với người nghèo và cận nghèo. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về chính sách này?

Theo Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, bắt đầu từ năm 2018, người tham gia BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, hỗ trợ tối đa 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác.

Đại lý thu BHXH, BHYT của huyện Buôn Đôn tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện.
Đại lý thu BHXH, BHYT của huyện Buôn Đôn tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp.

°Cùng với sự hỗ trợ nói trên, phía ngành BHXH còn có những động thái nào để “hấp dẫn” người dân tham gia BHXH tự nguyện, thưa bà?

Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH thì giai đoạn đến năm 2021, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; giai đoạn đến năm 2025, con số này là khoảng 2,5% và giai đoạn đến năm 2030 là khoảng 5%.

Để đạt được mục tiêu này, cơ quan BHXH các cấp tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, đào tạo và mở rộng đại lý thu đủ về số lượng và mạnh về chất lượng, giảm tối đa thủ tục giấy tờ, linh hoạt trong việc cung cấp thông tin, chi trả BHXH tự nguyện khi có phát sinh quyền lợi BHXH; tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong quá trình thực hiện BHXH tự nguyện cho người dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách đến tất cả các đối tượng, ở các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân; thực hiện tuyên truyền thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú để chính sách BHXH tự nguyện thực sự đến với người dân.

°Trân trọng cảm ơn bà!

Kim Oanh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.