Multimedia Đọc Báo in

Bất an với những cây cầu treo

08:28, 06/11/2020

Dẫu biết nguy hiểm, nhưng hàng chục năm nay, các hộ dân ở xã Ea Dăh và Phú Xuân (huyện Krông Năng) vẫn “liều mình” lưu thông trên những cây cầu treo bắc qua sông Krông Năng.

Cầu treo Xuân Thái – Xuân Thái 3 nối xã Ea Dăh và xã Phú Xuân làm đã được khoảng 20 năm nay. Qua mỗi mùa mưa bão, cây cầu bị hư hỏng, xuống cấp, người dân ở hai xã lại tự khắc phục, sửa chữa. Hiện dây cáp chính hai bên đã hoen gỉ, nhiều xà gỗ mục gãy, nhưng hằng ngày, nhiều người dân, học sinh vẫn phải qua lại trên cầu. Chị Hà Thị Danh (thôn Xuân Thái 5, xã Phú Xuân) bức xúc, cây cầu này tồn tại hàng chục năm nay, biết qua cầu rất nguy hiểm, nhưng đành chấp nhận. Mỗi lần qua cầu là mỗi lần chị thót tim vì cầu đu đưa rất mạnh, phải nhìn thẳng và đi thật nhanh chứ không dám nhìn xuống sông. Hầu như chỉ người dân địa phương mới dám di chuyển trên những cây cầu này, người lạ phải vững tay lái mới đi được.

Tương tự, cách cầu này không xa là cầu treo Xuân Thái – Xuân Thái 2, tình trạng xuống cấp còn trầm trọng hơn, thanh sắt, dây thép chằng hai bên gần như hoen gỉ hoàn toàn. Chị Nông Thị Bay (thôn Xuân Thái, xã Ea Dăh) cho hay, gia đình chị có ba con đều đang trong độ tuổi đến trường, cháu lớn nhất học lớp 8, nhỏ học lớp 1. Nhà chị cách các điểm trường trên địa bàn xã Ea Dăh xa nên cả ba con đều sang học các trường bên xã Phú Xuân. Mỗi ngày chở các con đến trường, khi qua cầu treo là chị lại thấy bất an. Cầu được làm tạm bợ, gặp hôm trời mưa, gió lớn rung lắc rất mạnh nên mỗi lần đi qua là chị Bay "toát hết mồ hôi" vì sợ. Sông Krông Năng rất rộng, nước chảy xiết, mùa mưa qua đây chẳng khác nào “đánh cược” tính mạng với nước dữ. Chị Bay và các hộ dân sống ở khu vực này chỉ mong muốn sớm có cây cầu kiên cố để đi lại, sản xuất an toàn, nhất là vào mùa mưa lũ.

Các thanh sắt của cầu treo Xuân Thái - Xuân Thái 1 (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng) đều đã hoen gỉ. Ảnh: Hoàng Tuyết
Các thanh sắt của cầu treo Xuân Thái - Xuân Thái 1 (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng) đều đã hoen gỉ. 

Có nhà sát cầu treo Xuân Thái – Xuân Thái 1, ông Ngần Văn Ngoãn không nhớ đã chứng kiến bao nhiêu trường hợp người dân, các cháu học sinh bị té xe khi qua cầu. Ông chia sẻ, cứ mỗi lần nghe tiếng động lớn là ông lại chạy ra thật nhanh để hô hoán mọi người giúp đỡ người bị nạn. Mùa mưa năm nào, cả thôn Xuân Thái (xã Ea Dăh) và các thôn thuộc xã Phú Xuân cũng phải ra “kéo” cầu vào bờ để đề phòng nước lũ cuốn trôi. Hằng năm, cùng với chính quyền địa phương, người dân sống gần khu vực cầu treo lại góp ngày công, góp tiền để tu sửa, gia cố những chỗ hư hỏng trên cầu. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt, chứ bất cứ ai qua những cây cầu tạm bợ này đều cảm thấy lo lắng.

Huyện Krông Năng có khoảng 30 cầu tạm bắc qua sông Krông Năng và những con suối lớn ở địa bàn các xã Ea Dăh, Phú Xuân, Tam Giang… Trong đó, có 5 cầu treo hiện đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Hầu hết các cầu treo đều do người dân làm tự phát, không theo quy chuẩn nào. Bên cạnh đó, các cầu có thời gian sử dụng lâu từ 15 đến hơn 20 năm nên đã hư hỏng.

Bà Phạm Thị Lái, Bí thư Chi bộ thôn Xuân Thái, xã Ea Dăh cho biết, thôn có 60 hộ, 285 nhân khẩu. Do cách xa trung tâm xã nên hầu hết người dân đều cho con em đi học các điểm trường bên xã Phú Xuân. Con đường đến trường gần nhất buộc phải đi qua các cầu treo bắc qua sông Krông Năng. Các em nhỏ tuổi thường được bố mẹ chở đi học, còn học sinh cấp 2 trở lên đều tự đi xe đạp qua cầu nên rất nguy hiểm. Những ngày mưa lớn, nước dâng lên, hầu hết phụ huynh đều cho con em nghỉ học để bảo đảm an toàn tính mạng. Nhiều lần người dân đã kiến nghị với các đoàn tiếp xúc cử tri quan tâm, bố trí vốn để xây dựng một cây cầu kiên cố… nhưng hàng chục năm nay vẫn chưa được đầu tư.

Chênh vênh cầu treo Xuân Thái - Xuân Thái 3.    Ảnh: H.Tuyết
Chênh vênh cầu treo Xuân Thái - Xuân Thái 3. 

Sông Krông Năng có bề rộng khoảng từ 50 - 80 m. Để xây dựng một công trình cầu dân sinh, cầu treo kiên cố qua con sông này cần nguồn kinh phí rất lớn, vượt ngoài khả năng của địa phương. Hằng năm, chính quyền và nhân dân sống gần khu vực các công trình cầu treo, cầu tạm đành góp sức, góp kinh phí để duy tu, sửa chữa, gia cố những vị trí hư hỏng để đáp ứng nhu cầu đi lại tạm thời, chấp nhận nguy hiểm đến tính mạng.

Ông Lê Đức Ánh, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Năng cho biết, mùa mưa, việc đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa qua cầu tạm là rất khó khăn, nguy hiểm. Huyện đã tăng cường tuyên truyền đến chính quyền các xã chỉ đạo các thôn, đặc biệt là vào mùa mưa bão phải bố trí lực lượng hướng dẫn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi đi lại qua cầu.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.