Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối nạn tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (kỳ 2)

08:22, 22/02/2021

Giải pháp nào để chấm dứt nạn tảo hôn

Những hệ lụy từ nạn tảo hôn thì ai cũng rõ, nhưng để ngăn chặn vấn nạn này chắc chắn không riêng một ngành, một địa phương nào có thể làm được mà rất cần có những giải pháp đồng bộ...

Chính quyền địa phương còn thờ ơ

Không chỉ ở vùng sâu vùng xa mà ngay cả những thôn, buôn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn còn xảy ra nạn tảo hôn. Theo bà Trần Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), những trường hợp tảo hôn trên địa bàn chủ yếu là do cán bộ dân số ở Trạm Y tế xã nắm bắt thông qua công tác tiêm chủng vắc-xin cho trẻ. Khi đưa trẻ đến tiêm chủng thì cán bộ y tế yêu cầu khai báo tên, tuổi của bố mẹ, lúc đó mới xác định trường hợp nào là tảo hôn. Những gia đình không đưa trẻ ra Trạm Y tế xã tiêm chủng và khai báo thì cũng không biết hết được.

Tại xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), theo thống kê của ngành chức năng tỉnh, riêng năm 2020 có 14 trường hợp tảo hôn. Tuy nhiên, bà H’Triệu Kdoh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, chính quyền xã chưa phát hiện và xử phạt trường hợp tảo hôn nào. Lý do là cán bộ dân số công tác ở Trạm Y tế xã không thông tin với xã mà báo cáo theo ngành dọc lên Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột. Ban tự quản thôn, buôn cũng không báo cáo với chính quyền xã; các gia đình có con em tảo hôn thường giấu, không đăng ký kết hôn và không làm giấy khai sinh cho trẻ.

Em Sùng Văn Hồng ở buôn Plao Siêng (xã Ea Rbin, huyện Lắk) năm nay mới 17 tuổi nhưng đã có vợ con.
Em Sùng Văn Hồng ở buôn Plao Siêng (xã Ea Rbin, huyện Lắk) năm nay mới 17 tuổi nhưng đã có vợ con.

Tảo hôn là việc lấy vợ, chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định (nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi).

1. Điều 58, Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15-7-2020 của Chính phủ quy định:

- Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

- Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

2. Điều 183, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

-Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 -  30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

Bí thư Chi bộ buôn Tơng Jú (xã Ea Kao) Y Thăm Kbuôr cho biết, trong hương ước, quy ước của buôn quy định phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng/trường hợp tảo hôn. Tuy nhiên, tình trạng này nhiều năm nay vẫn diễn ra khá nhức nhối. Phía gia đình có con, em tảo hôn thường ít tổ chức đám cưới mà cứ cho con trẻ về ở với nhau đến khi đủ tuổi mới đến xã làm các thủ tục pháp lý. Khi đi tiêm chủng cho trẻ thì khai báo là con không có cha… Việc này một số đảng viên phụ trách cụm dân cư có biết nhưng do cả nể nên không báo với chi bộ; có vụ việc chi bộ biết, đã xử phạt theo quy định của buôn, đồng thời báo lên chính quyền xã nhưng vẫn chưa thấy xử lý.

Bao giờ mới có hồi kết?

Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2015 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động như: tổ chức các hội nghị tư vấn, lắp đặt áp phích, cấp phát tời rơi… tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình tại các xã vùng đồng bào DTTS và thôn, buôn có tỷ lệ tảo hôn cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, sau 5 năm thực hiện Đề án, hiệu quả đạt được vẫn không như mong đợi.

Nguyên nhân được xác định là do phong tục, tập quán dựng vợ, gả chồng của người DTTS còn nhiều lạc hậu (chủ yếu do gia đình quyết định, ít đăng ký kết hôn); trình độ dân trí thấp, nhận thức và ý thức pháp luật hạn chế cũng làm gia tăng tình trạng tảo hôn. Bên cạnh đó, do địa bàn tỉnh rộng lớn, nhiều nơi địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, đại bộ phận người DTTS thường xuyên sinh sống ở vùng sâu, vùng xa nên hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao. Sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn còn chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết…

Cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Rốk, huyện Ea Súp (bìa trái) tư vấn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho một hộ dân. Ảnh: Võ Thảo
Cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Rốk, huyện Ea Súp (bìa trái) tư vấn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho một hộ dân. Ảnh: Võ Thảo

Để hạn chế và từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS, ông Lê Ngọc Vinh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng, ngoài việc tiếp tục  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người dân, chính quyền các cấp cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Đặc biệt, phải phát huy vai trò bám sát cơ sở của cán bộ quản lý tư pháp - hộ tịch cũng như trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Đoàn, bí thư chi bộ, trưởng thôn, già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Cùng với đó, Trung ương cần sớm phân bổ vốn theo quy định để tiếp tục thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025”; đồng thời cần có cơ chế đặc thù như: đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo công ăn việc làm… giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống. Đó mới là giải pháp góp phần giải quyết tận gốc các hủ tục đang tồn tại ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.