Multimedia Đọc Báo in

Người "đồng hành" cùng những vụ trọng án

06:18, 17/02/2018

Lần đầu tiên nghe thượng tá Đặng Sơn Đáng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) kể chuyện nghề, tôi cứ nghĩ công việc đặc thù này từ khi bắt đầu tới lúc kết thúc thật chóng vánh. Nhưng thực tế không như vậy...

Thường xuyên đối mặt với ám ảnh...

34 năm làm nghề, thượng tá Đặng Sơn Đáng từng giải phẫu hơn 4.000 tử thi, góp phần làm sáng tỏ nhiều vụ trọng án và giải oan cho nhiều người vô tội ở Đắk Lắk. Cũng như nhiều bác sĩ pháp y khác, ám ảnh với thượng tá Đáng không phải là sự ghê rợn của những tử thi đang phân hủy mà là cảm xúc thương tâm khi luôn phải chứng kiến những phận người bất hạnh. 

Mặc dù khá dày dạn kinh nghiệm, thượng tá Đáng vẫn bị ám ảnh khi khám nghiệm tử thi trong vụ án chồng giết vợ rồi nhảy giếng tự tử ở buôn Ko Tam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) xảy ra cách đây vài tháng. Nạn nhân là chị Trần Thị Mỹ Trang (35 tuổi) và nghi can là Nguyễn Văn Hùng (48 tuổi) - chồng của nạn nhân. Qua khám nghiệm hiện trường, cảnh sát hình sự xác định Hùng dùng búa, dao sát hại vợ rồi nhảy xuống giếng trước nhà tự tử. Vợ chồng Hùng có ba người con, trong đó có hai cháu sinh đôi đang học lớp một.

Thượng tá Đặng Sơn Đáng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh).
Thượng tá Đặng Sơn Đáng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh).

Vụ án khép lại, nhưng thượng tá Đáng vẫn luôn cảm thấy có điều gì đó bất thường ở những vết máu tại hiện trường. “Hùng cố ý hay không cố ý giết vợ? Ánh mắt bơ vơ cùng tiếng khóc gào đòi mẹ của hai đứa bé sinh đôi cứ ám ảnh, thôi thúc tôi phải tìm ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết của người mẹ”, thượng tá Đáng nhớ lại. Tiến hành rà soát lại tất cả các chi tiết, nhất là sau khi hỏi thêm thông tin từ người thân và của người dân sống xung quanh về nghi can Hùng, thì có một chi tiết đáng lưu tâm. Đó là cách đây 2 năm, Hùng bị tai nạn giao thông, chấn thương liên quan đến não. Thượng tá Đáng quyết định tìm hiểu sâu hơn về tiền sử bệnh tật của Hùng và phát hiện nghi can có các triệu chứng về bệnh tâm thần. Trước khi xảy ra án mạng, vợ chồng Hùng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên chị Trang đã làm đơn ly dị nhưng chưa được giải quyết. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình của nghi can. “Giá như gia đình phát hiện sớm bệnh tật và đưa Hùng đi điều trị kịp thời thì có lẽ không dẫn đến kết cục thương tâm này”, thượng tá Đáng nói. 

... Chuyện bây giờ mới kể

Cứ ngỡ đã chọn cái nghiệp pháp y, ắt hẳn thượng tá Đáng “miễn nhiễm” với những nỗi sợ hãi rất đời thường, nhưng hình như tôi đã nhầm. Có một việc xảy ra cách đây gần 15 năm, nhưng mỗi lần nhớ lại không riêng thượng tá Đáng mà những người tham gia vụ án năm ấy vẫn còn rùng mình. 

Đoàn công tác ăn trưa trên cồn đá giữa sông Krông Nô trong chuyến đi khám nghiệm tử thi ở khu đào đãi vàng tại xã Krông Nô (huyện Lắk) năm 1993. Ảnh: NVCC
Đoàn công tác ăn trưa trên cồn đá giữa sông Krông Nô trong chuyến đi khám nghiệm tử thi ở khu đào đãi vàng tại xã Krông Nô (huyện Lắk) năm 1993. Ảnh: NVCC

 

 
“Không kể thời tiết, ngày nghỉ, lễ tết, hễ mỗi khi có việc là tôi lại tức tốc lên đường làm nhiệm vụ vì rất có thể do một chút chậm trễ, những dấu vết, chứng cứ để lại hiện trường sẽ bị xáo trộn, ảnh hưởng tới công tác điều tra. Hồi còn trẻ, có khi một năm tôi phải phẫu thuật hơn 200 tử thi, chủ yếu là ở những nơi hẻo lánh. Nhưng không bao giờ tôi cảm thấy chán nản hay sợ nghề của mình”.
Thượng tá Đặng Sơn Đáng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kỹ thuật hình sự

Thượng tá Đáng kể: “Mùa hè năm 1993, Công an tỉnh nhận được tin báo có một vụ bắn chết người ở khu đào đãi vàng tại xã Krông Nô (huyện Lắk). 8 giờ, từ TP. Buôn Ma Thuột chúng tôi tất bật chuẩn bị gạo, thịt, mắm, muối... để đến xã Krông Nô thì trời đã tối nên buộc phải ngủ lại. Sáng sớm hôm sau, đoàn công tác gồm 16 người, thuê 2 chiếc thuyền độc mộc ngược sông Krông Nô đến khu vực đào đãi vàng. Còn cách bãi đào đãi vàng chừng nửa ki-lô-mét một mùi thối nồng nặc xộc thẳng vào mũi khiến không ít người nôn thốc nôn tháo. Đoàn tiến đến gần thì thấy hai xác chết đã được chôn cất nhưng vẫn lộ ra những phần da thịt đổi màu. Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi kết luận, hai nạn nhân chết do bị súng bắn. Sau đó, chúng tôi khâm liệm tử thi đưa ra khỏi nơi phát hiện lên phía bìa rừng để chôn cất và đánh dấu để sau này người nhà nạn nhân có thể tìm thấy. Công việc kết thúc thì đã gần 20 giờ, anh em ra sông để về lại xã Krông Nô. Trong đêm tối, chúng tôi chỉ nghe tiếng nước sông chảy, còn lại chẳng thấy gì. Mỗi khi đến chỗ nước chảy xiết, không ai bảo ai, tự mỗi người nắm chặt mạn thuyền và chỉ mong thuyền mau cập bến. Chúng tôi sợ thuyền bị lật (vì không ai có áo phao). Nỗi sợ hãi càng tăng thêm khi thuyền đến những chỗ gập ghềnh, có một vài người bị rớt xuống nước, nhưng may mắn lại bám lên được. Đến hơn 1 giờ sáng thuyền cập bến an toàn, ai cũng thở phào...”.

Trò chuyện với chúng tôi, thượng tá Đáng còn cho biết, công việc pháp y tiềm ẩn không ít nguy hiểm. Nhiều tử thi khi được phát hiện đang trong quá trình phân hủy, không rõ danh tính, lai lịch, trong đó còn có những nạn nhân bị nhiễm HIV, bệnh xã hội..., chỉ cần một sơ suất nhỏ là nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vì vậy, cũng như nhiều cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Kỹ thuật hình sự, thượng tá Đáng luôn ghi nhớ 10 chữ vàng “thận trọng, tỉ mỉ, chính xác, khách quan, toàn diện” để vừa bảo vệ mình, nhưng quan trọng hơn là đưa ra những kết luận chính xác góp phần làm sáng tỏ nhiều vụ án.

Hoàng Ân

 

Ý kiến bạn đọc