Multimedia Đọc Báo in

Chú trọng trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh

09:02, 24/11/2019

Vừa qua, chương trình truyền thông “Phòng chống mua bán người và xâm hại phụ nữ, trẻ em” được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức tại Trường THCS Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) với hình thức đơn giản, dễ hiểu nhưng hấp dẫn, thu hút học sinh hào hứng tham gia và mang lại hiệu quả thiết thực.

Ban tổ chức đã xây dựng chương trình tuyên truyền về sự nguy hiểm của tình trạng mua bán người và xâm hại trẻ em; cách bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm… thông qua những hình ảnh hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi học sinh từ video clip.

Cụ thể như “Quy tắc 5 ngón tay”, dù khái niệm này khá phổ biến, nhưng nhiều em còn rất bỡ ngỡ. Quy tắc này giúp các em xác định được 5 nhóm người thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, từ đó đưa ra định hướng giao tiếp phù hợp, tránh bị lạm dụng, mua chuộc hay xâm hại tình dục.

Cụ thể, ngón cái: các em sẽ được ôm hôn với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột; ngón trỏ: có thể nắm tay, khoác tay với bạn bè, thầy cô, họ hàng; ngón giữa: chỉ là cái bắt tay khi gặp người quen; ngón áp út: chỉ dừng lại ở hành động vẫy tay với người lạ; cuối cùng, ngón út là xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ khiến các em cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật. Không quá phức tạp và dễ nhớ, quy tắc này có thể giúp trẻ có thể tránh xa những đối tượng nguy hiểm và bảo vệ chính bản thân mình.

Tại chương trình, các em học sinh được các cán chiến sĩ Công an tỉnh dạy một số  kỹ năng  tự vệ.
Tại chương trình, các em học sinh được các cán chiến sĩ Công an tỉnh dạy một số kỹ năng tự vệ.

Trò chơi tương tác đuổi hình bắt chữ, với hệ thống 25 câu hỏi là những khái niệm, kiến thức về giới tính, nạn xâm hại, buôn bán người… đã thu hút các em học sinh tham gia rất hào hứng. Dù có những khái niệm rất khó tìm được câu trả lời, cũng như giải thích, nhưng thật bất ngờ vì các em đã tìm hiểu và đưa ra những câu trả lời chính xác, đơn cử như khái niệm “tình dục”.

Đây là khái niệm khá tế nhị nhưng các em vẫn tự tin trả lời. Hiện nay xâm hại tình dục là một trong những hình thức xâm hại trẻ em phổ biến nhất. Hay khái niệm “leo thang” - một trong năm thủ đoạn phổ biến của kẻ xâm hại tình dục, trong đó thủ phạm thực hiện hành vi leo thang nhằm tiến tới mục đích xâm hại trẻ.

Đây là một trong số những thủ đoạn mà thủ phạm thường dùng sau khi đã tạo ra được những bí mật với trẻ. Họ có thể thỏa thuận cho trẻ kẹo để được ôm, hôn… như hình thức “nhử mồi” và khiến trẻ có cảm giác là được phép… Khi đã đạt được một số hành vi, mục đích trên, họ sẽ tiến tới việc giới tính hóa quan hệ với trẻ.

Sau mỗi câu hỏi, khái niệm, giáo viên luôn đưa ra những câu chuyện thực tế phù hợp, minh họa thực tế cho các em dễ hiểu hơn. Rõ ràng, việc thầy cô mạnh dạn chia sẻ với học sinh những kiến thức, kỹ năng về giới tính, sức khỏe sinh sản một cách thẳng thắn, không né tránh các khái niệm, tình huống thực tế là điều cần thiết, để các em có nhận thức đúng, đầy đủ.

Đây cũng là cách phá vỡ nhanh nhất những rào cản về sự e ngại của nhiều học sinh hiện nay. Thiếu kiến thức, kỹ năng, thiếu sự chia sẻ, lắng nghe và tin tưởng, các em sẽ càng có nguy cơ trở thành nạn nhân của những hành vi xấu.

Em Nguyễn Thị Vân Anh (lớp 8B) chia sẻ: “Em vẫn thường được nghe cha mẹ và thầy cô dặn dò, cũng như được nghe những câu chuyện về xâm hại trẻ em, nạn buôn bán người, dụ dỗ đi làm công việc nhẹ mà có nhiều tiền… nhưng em vẫn chưa hình dung cụ thể về xâm hại, không biết như thế nào là có người muốn xâm hại mình. Qua buổi truyền thông này em đã có thêm nhiều kiến thức giúp mình có thể phòng tránh những vấn nạn trên và bảo vệ  bản thân”.

Các em học sinh rất hào hứng tham gia chương trình.
Các em học sinh rất hào hứng tham gia chương trình.

Tại chương trình, các em còn được các thầy cô, chiến sĩ công an tỉnh hướng dẫn kỹ năng giúp nhận biết những hành vi xấu của người khác, cách thoát thân khi bị người xấu ôm, giữ, kéo...; cách chia sẻ với người lớn những điều vừa xảy ra để kịp thời bảo vệ mình tránh khỏi những đối tượng xâm hại...

Tham dự chương trình, bà Nguyễn Thị Tuyết (Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam) nhấn mạnh, ngoài trang bị kỹ năng, nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phạm tội mua bán người và xâm hại phụ nữ, trẻ em, thì khi phát hiện các biểu hiện nghi vấn hoặc các hành vi này cần kịp thời tố giác với cơ quan Công an nơi gần nhất để điều tra, xử lý; đừng im lặng, bởi im lặng là tiếp tay cho kẻ xấu!

111 là tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày và miễn phí cuộc gọi; có nhiệm vụ tiếp nhận thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại. Những thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại sẽ ngay lập tức được chuyển tới các cá nhân, cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.