Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực bảo tồn và phát huy ngôn ngữ Êđê (Kỳ 1)

08:50, 16/06/2018

Ngày nay, với xu hướng hội nhập, giao lưu và tiếp biến văn hóa diễn ra mạnh mẽ khiến ngôn ngữ của nhiều dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có dân tộc Êđê đang đứng trước nguy cơ mai một. Mặc dù các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Êđê, song hiệu quả chưa được như mong đợi.

Kỳ 1: Tăng cường dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh Êđê

Đắk Lắk là một trong số 30 tỉnh, thành phố trong cả nước đã sớm triển khai việc dạy chữ viết, tiếng nói Êđê trong trường học phổ thông, đồng thời biên soạn nhiều đầu sách tiếng Êđê phục vụ việc dạy và học. Song, sau nhiều năm triển khai, việc dạy và học tiếng mẹ đẻ cho học sinh Êđê còn những khó khăn nhất định.

Hào hứng với tiếng mẹ đẻ

Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những đơn vị thực hiện tốt việc dạy học tiếng Êđê cho học sinh. Ở đây, học sinh Êđê từ lớp 3 được dạy đọc, viết bằng tiếng mẹ đẻ, giúp các em học tốt các môn học văn hóa. Đến cuối cấp I, học sinh đọc, viết được bằng cả hai thứ tiếng Êđê và tiếng Việt. Mới đây được tham dự một tiết học tiếng Êđê của học sinh lớp 4, chúng tôi cảm thấy các em rất hào hứng với việc học tiếng mẹ đẻ khi có rất nhiều em xung phong phát biểu ý kiến khi cô giáo yêu cầu lấy ví dụ bằng tiếng mẹ đẻ... Em Y Kôn H’đơk, học sinh lớp 4B chia sẻ: “Ở nhà bố, mẹ em thường nói chuyện bằng tiếng Êđê nhưng lại không biết viết chữ. Sau hai năm học ở trường, giờ đây em đã biết viết, thông thạo ngữ pháp, đọc được nhiều sách bằng tiếng Êđê và vận dụng ngôn ngữ Êđê vào các môn học khác rất hiệu quả. Hai năm học vừa qua, em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến”.

Cô H'Jem hướng dẫn học sinh trong giờ học tiếng Êđê.
Cô H'Jem hướng dẫn học sinh trong giờ học tiếng Êđê.

Cô H’Jem Kpơr, giáo viên kiêm nhiệm tiếng Êđê của Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh cho biết, hầu hết các em học sinh Êđê trong trường đều biết nói tiếng mẹ đẻ  nhưng không biết viết. Sau 2-3 năm học tiếng Êđê ở trường, các em phát âm chuẩn hơn, nắm vững ngữ pháp, viết được bằng ngôn ngữ của dân tộc mình. “Hiểu được tiếng mẹ đẻ không chỉ giúp học sinh dân tộc Êđê tiếp thu các môn học khác tốt hơn mà còn giúp các em tự tin, thêm yêu văn hóa của dân tộc mình”, cô H’Jem vui mừng nói.

Thầy Trần Công Thức, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh cho hay, với đặc thù một trường học có hơn 95% học sinh là người Êđê, nên nhà trường đã tổ chức dạy tiếng Êđê cho học sinh từ nhiều năm trước. Một thuận lợi cho nhà trường, từ năm học 2015-2016, theo quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh học tiếng Êđê được cấp sách giáo khoa, tài liệu liên quan; giáo viên kiêm nhiệm dạy tiếng Êđê có chế độ thù lao. Nhờ đó, hiệu quả dạy - học tiếng mẹ đẻ được nâng lên rõ rệt. Khi  các em học sinh đọc, viết thành thạo ngôn ngữ của dân tộc mình thì hứng thú đến lớp và học tốt các môn học khác hơn. Nhờ đó, những năm gần đây, tỷ lệ học sinh DTTS của trường bỏ học giữa chừng hầu như không còn nữa.

Dạy - học tiếng Êđê vẫn còn nhiều khó khăn

Tỉnh Đắk Lắk triển khai dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Êđê cho học sinh từ khối lớp 3 đến lớp 5 tại một số trường tiểu học bắt đầu từ năm 1981 và cho học sinh từ khối lớp 6 đến lớp 8 trong chương trình thực nghiệm tại các trường phổ thông dân tộc nội trú của các huyện, thị xã, thành phố những năm gần đây. Đến năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 120 trường tổ chức dạy tiếng Êđê, trong đó có 106 trường tiểu học, 14 trường Phổ thông dân tộc nội trú, với 673 lớp cho 13.533 học sinh, 172 giáo viên. Tuy nhiên, do thiếu giáo viên nên việc dạy tiếng Êđê chỉ thực hiện được ở một số điểm trường có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và giáo viên.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trước đây 53 DTTS trên cả nước đều có tiếng nói riêng của dân tộc mình, nhưng đến nay, chỉ có hơn 30 dân tộc còn giữ được tiếng nói riêng và 14 dân tộc có chữ viết riêng. Một số dân tộc như Ơ Đu, Chứt, Lô Lô, Lự… đã gần như mất tiếng nói riêng.

 

Hằng năm, các địa phương trong tỉnh cũng tổ chức dạy tiếng, chữ viết dân tộc Êđê cho đội ngũ cán bộ làm phong trào, phát động quần chúng ở thôn, buôn. Tỉnh cũng thành lập Ban Nghiên cứu giáo dục học sinh dân tộc thiểu số (thuộc Sở GD-ĐT) để phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương sưu tầm, biên soạn, xuất bản tài liệu phục vụ việc dạy và học tiếng Êđê như: Từ điển Việt - Êđê, Êđê - Việt; trung bình mỗi năm xuất bản 5 đầu sách về truyện cổ, lời nói vần, luật tục, nghi lễ, lễ hội, sử thi Êđê…

Cô H'Jem hướng dẫn học sinh trong giờ học tiếng Êđê.
Học sinh trong giờ học tiếng Êđê.

Bà Lê Thị Ngọc Thơm, Phó trưởng Ban Nghiên cứu giáo dục học sinh dân tộc thiểu số cho biết, những năm qua, Ban đã biên soạn nhiều đầu sách tiếng Êđê như bộ sách ngữ pháp, sách bổ trợ (vở bài tập, vở tập viết, truyện đọc),…  nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học tiếng Êđê trong trường học. Hầu hết các trường học phân phối các tiết học môn tiếng Êđê xen kẽ vào chương trình chính khóa đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Tuy quy mô trường, lớp và chất lượng dạy tiếng Êđê đang dần ổn định, nhưng trên thực tế việc dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh người Êđê vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể là tài lực và vật lực phục vụ công tác dạy học tiếng Êđê còn thiếu thốn; lớp trẻ người Êđê không quan tâm mấy đối với tiếng nói dân tộc mình; đời sống của không ít bà con Êđê còn khó khăn nên xao nhãng chuyện cho con em học ngôn ngữ dân tộc mình…

Trước thực trạng này, các ban, ngành hữu quan trong tỉnh cần phối hợp với ngành Giáo dục tỉnh sớm tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy ngôn ngữ của đồng bào Êđê. Trong đó, cần tập trung khảo sát đội ngũ giáo viên tiếng Êđê, qua đó có kế hoạch tập huấn, đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy; cung cấp đầy đủ trang thiết bị dạy học; thường xuyên kiểm tra, giám sát để việc giảng dạy tiếng Êđê trong các trường phổ thông được thực hiện ngày một tốt hơn.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc