Multimedia Đọc Báo in

Khi trường học không… "lọc đầu vào"

09:18, 24/11/2019

Không chọn lọc đầu vào nhưng phải bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện, giúp đỡ những học sinh khó khăn về học tập và rèn luyện đạo đức.

Đó là mô hình và cách làm mà Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - một trong những trường THPT dân lập đầu tiên của thành phố Hà Nội đã duy trì suốt 30 năm qua. Mô hình này đang thu hút sự quan tâm của xã hội và cũng thêm một cách nhìn nhận mới về giáo dục.

Cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: N.Hoa
Cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: N.Hoa

 

Năm 1989, trường được thành lập nhằm thu nhận những học sinh yếu kém về văn hóa đạo đức, vi phạm kỷ luật bị các trường khác từ chối không cho học, theo mô hình giáo dục đặc biệt. Từ 136 học sinh trong năm học đầu tiên (1989 - 1990) đến nay trường Đinh Tiên Hoàng đã đón tổng số trên 10.000 học sinh. Ở giai đoạn đầu, lúc cao điểm nhất trường có gần 90% học sinh có khó khăn về học tập, yếu kém về ý thức kỷ luật; 87% học sinh có khó khăn về quan hệ gia đình cần giúp đỡ. Quả ngọt mà nhà trường thu hái chính là lớp lớp những thế hệ học sinh được rèn luyện, tu dưỡng trưởng thành và được xem như ngôi nhà hạnh phúc của rất nhiều học sinh bị coi là “cá biệt”.

Mô hình giáo dục của trường Đinh Tiên Hoàng là một minh chứng sống động cho thấy nếu có tâm huyết của đội ngũ thầy cô giáo thì chúng ta sẽ làm được những điều mà bình thường cảm thấy rất khó khăn. Trong xã hội do nguyên nhân khách quan và cả chủ quan còn rất nhiều trẻ em, học sinh có hoàn cảnh, cá tính rất đặc biệt, kể cả những em bị tự kỷ, trầm cảm.

Nói như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Nếu mỗi phụ huynh nghĩ rằng chỉ lựa chọn những học sinh tốt nhất để con em mình được học trong tập thể tốt nhất; mỗi giáo viên lựa chọn những học sinh tốt nhất vào để dạy, có thành tích cao nhất, “nhàn” nhất, vậy những em có hoàn cảnh thiệt thòi, tính cách rất đặc biệt sẽ học ở đâu?. Điều trân quý nhất ở trường Đinh Tiên Hoàng là đã “dám” mở vòng tay đón nhận tất cả các em học sinh, không phân biệt em đó trước đây học tập ở đâu, được nhận xét, đánh giá như thế nào. Dạy kiến thức là cần thiết nhưng quan trọng hơn còn là khơi dậy những điều tốt đẹp, giá trị tốt đẹp trong từng học sinh, có nghĩa là dạy người - vấn đề mà những năm gần đây Chính phủ, các nghị quyết của Đảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều nhấn mạnh. Dạy người, nếu chỉ đơn thuần có kiến thức, trình độ giáo viên, có lẽ là chưa đủ, mà dạy bằng cả tấm lòng, sự nêu gương của thầy cô cũng là cách cảm hóa, truyền cảm hứng tốt nhất để học sinh noi theo.

1
 Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (TP. Buôn Ma Thuột) đang xây dựng "ngôi trường hạnh phúc", ở đó không có sự phân biệt giữa học sinh. 

 

Tỷ phú thế giới Bill Gates đã từng nói: "Đẳng cấp thế giới không phải là nền kinh tế mạnh hay có bao nhiêu triệu phú hoặc tỷ phú… mà đẳng cấp thế giới là về cách và thái độ của công dân quốc gia đó ứng xử, hành động ra sao”. Cách làm và hướng đi của những ngôi trường như Đinh Tiên Hoàng đã cho thấy một điều: Tên tuổi, giá trị thương hiệu trong giáo dục không chỉ nằm ở những bảng vàng thành tích giải thưởng học tập mà còn ở việc mở rộng vòng tay đón nhận tất cả, “không lọc đầu vào” nhưng bảo đảm “đầu ra học sinh nên người”. Ấy là chữ tâm và tầm của giáo dục…!!!

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.