Multimedia Đọc Báo in

Để đăng ký nguyện vọng xét tuyển hiệu quả

08:42, 29/06/2020

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng trung bình nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học năm 2019 của thí sinh là 3,94 nguyện vọng, trong đó có khoảng 90% nguyện vọng đăng ký vào 5 tổ hợp xét tuyển truyền thống là A, A1, B, C, D.

Tuy nhiên, nhiều thí sinh vì chưa xác định được đam mê, sở thích hay năng lực của bản thân mà đăng ký “bừa”, “cho có lệ”. Một số thí sinh mang tâm lý “sợ” không đỗ trường nào hoặc chạy theo phong trào nên đã đăng ký cả hàng chục nguyện vọng. Đơn cử như một thí sinh ở thành phố Hà Nội đã đăng ký lên tới 50 nguyện vọng xét tuyển.

Học sinh lớp 12 Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory đang tìm hiểu thông tin tuyển sinh của Trường Đại học Buôn Ma Thuột. Ảnh: Đức Hoàn
Học sinh lớp 12 Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2020 của Trường Đại học Buôn Ma Thuột. Ảnh: Đức Hoàn

Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, mỗi thí sinh chỉ cần đăng ký từ 3 - 5 nguyện vọng là phù hợp. Việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng không chỉ khiến các em bị mất phương hướng mà còn gây lãng phí cả về thời gian và tiền bạc.

Muốn đăng ký nguyện vọng xét tuyển hiệu quả, mỗi thí sinh cần phải xác định được mình nên lựa chọn ngành nghề gì? theo những tiêu chí nào? Thí sinh nên chọn ngành nghề theo sở thích, đam mê của mình thay vì chạy theo ngành “hot”, a dua theo bạn bè hoặc chịu áp lực từ cha mẹ, người thân. Bởi vì đam mê chính là chiếc chìa khóa giúp bạn luôn nỗ lực và phấn đấu để đến được thành công. Nếu chọn ngành học không yêu thích dễ nảy sinh tâm lý chán nản, không hiệu quả, lãng phí thời gian, công sức,...

Theo định hướng của các nhà tư vấn tuyển sinh, trước khi đăng ký nguyện vọng, mỗi học sinh nên tự đánh giá về năng lực, lực học của bản thân để chọn trường, chọn ngành phù hợp. Thông qua các kỳ thi, kiểm tra, đánh giá năng lực, các kỳ thi thử đại học,… mỗi học sinh có thể biết được lực học và điểm số đạt được của các môn học dự định xét tuyển hoặc thi tuyển để từ đó đăng ký theo nguyện vọng phù hợp. Bên cạnh đó, các em cần tìm hiểu thật kỹ thông tin về các trường và các ngành mình định xét tuyển, thi tuyển vào, cụ thể như: Điểm chuẩn, điểm trúng tuyển, các ưu tiên khi xét tuyển hay thi tuyển... để từ đó xác định khả năng trúng tuyển của mình cao hay thấp. Không nên chọn nguyện vọng quá thấp hoặc quá cao so với khả năng của mình.

Để tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, Bộ GD-ĐT cũng cho phép mỗi thí sinh được quyền thay đổi nguyện vọng sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều này góp phần giảm bớt được nỗi lo của học sinh trong việc xác định thứ tự ưu tiên các ngành cũng như có thể thay đổi, bổ sung nguyện vọng sao cho phù hợp nhất. Thí sinh nên lưu ý xếp thứ tự ưu tiên nguyện vọng theo mức độ yêu thích của mình đối với ngành học, trường học để đảm bảo cơ hội trúng tuyển đúng ngành, đúng trường mong muốn nhất. Với những thí sinh đăng ký ngành có nhiều tổ hợp môn thi thì nên sử dụng tổ hợp có tổng điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển. Ngoài ra, các em cũng nên đọc kỹ đề án tuyển sinh của mỗi trường để lựa chọn mức ưu tiên phù hợp.

Cao Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.