Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THPT

08:42, 01/01/2021

Cùng với các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ea H’leo) đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.

Sôi nổi, ý nghĩa, bổ ích là cảm nhận của hầu hết học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa với chủ đề “Tiếp bước truyền thống cha anh” do nhà trường tổ chức nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12).

Tại chương trình, các em không chỉ được ôn lại lịch sử hình thành, phát triển, những chiến công chói lọi của Quân đội nhân dân Việt Nam trong công cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân mà còn được giao lưu văn nghệ, biểu diễn võ thuật, hoạt cảnh sân khấu với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3)…

Học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh tham gia hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh tham gia hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thầy Đỗ Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, lứa tuổi THPT là giai đoạn các em có nhiều chuyển biến phức tạp trong tâm sinh lý, bộc lộ cái tôi rõ nét nhất và phải chịu áp lực lớn trong thi cử cuối cấp nên việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh rất quan trọng để các em xác định được những giá trị cần thiết, giá trị đích thực cũng như bảo vệ mình trước cám dỗ, tình huống phức tạp của đời sống. Xác định kỹ năng sống không thể hình thành trong thời gian ngắn mà cần quá trình rèn luyện, bồi đắp lâu dài, nhà trường đã lồng ghép thông qua các buổi ngoại khóa, chào cờ đầu tuần, hội thao, cắm trại, diễn đàn cũng như tích hợp vào các môn học trong chương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, còn giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua những chuyến tham quan thực tế tại các khu di tích lịch sử, văn hóa như: Nhà đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Đắk Lắk, Suối Đá 2 (tỉnh Gia Lai), trải nghiệm một ngày làm chiến sĩ ở Trung đoàn 66...

Tham gia buổi học thực tế, học sinh được tìm hiểu về lịch sử của địa phương qua những câu chuyện kể, hiện vật đang lưu giữ, khám phá vẻ đẹp của quê hương, đất nước, con người. Đặc biệt, để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, trong quá trình tổ chức các chuyến đi, thầy cô chỉ là người hướng dẫn, gợi ý. Từ chủ đề giáo viên đưa ra, mỗi học sinh phải lên ý tưởng, chủ động quan sát, tìm kiếm thông tin và tự tổng hợp những vấn đề cốt lõi. Với hình thức học tập này học sinh có thêm kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy phản biện và quản lý thời gian hiệu quả. “Tham gia những chương trình giao lưu, tham quan trải nghiệm thực tế do nhà trường tổ chức, em thấy mình trưởng thành hơn nhiều. Em không còn rụt rè, nhút nhát như trước, đã hiểu hơn về giá trị cuộc sống, biết quan tâm, gần gũi với gia đình, sống có trách nhiệm hơn” - em Vương Quốc An, học sinh lớp 12A5 bày tỏ.

Học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh tham gia hội trại.
Học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh tham gia hội trại.

Nhờ thực hiện tốt công tác chuyên môn và nỗ lực trong giáo dục kỹ năng sống nên trong năm học 2019 - 2020, toàn trường có hơn 92% học sinh đạt hạnh kiểm loại tốt, không có học sinh hạnh kiểm trung bình. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp nhà trường có trên 63,3% học sinh đạt học lực khá, giỏi.

Như Quỳnh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.