Multimedia Đọc Báo in

Cuộc chiến vắc xin Covid-19

12:31, 08/08/2020
Vắc xin Covid-19 đang trở thành một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nước trên thế giới. Đó là điều mà các tổ chức y tế trên toàn cầu lo ngại sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch về cơ chế thu mua số lượng lớn và phân phối công bằng loại vắc xin này trên thế giới.
 
Công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ cho hay cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu dành cho vắc xin NVX-CoV2373 ngừa Covid-19 đã có những tín hiệu tích cực. Cụ thể, vắc xin đã gây ra phản ứng miễn dịch và sản sinh ra lượng kháng thể chống lại vi rút Sars-CoV-2 nhiều hơn ở cả những bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục. Trước mắt, Novavax đặt mục tiêu đến tháng 1-2021 sẽ sản xuất 100 triệu liều vắc xin và từ 1-2 tỷ liều trong năm 2021. Tháng trước, Novavax đã nhận 1,6 tỷ USD tiền hỗ trợ của Chính phủ Mỹ theo chương trình "Operation Warp Speed" nhằm đẩy nhanh các dự án phát triển và bào chế vắc xin ngừa Covid-19.
 
Ngoài Novavax, các hãng dược phẩm khác của Mỹ cũng được nhận hỗ trợ của chính phủ là Moderna và AstraZeneca. Cả hai công ty này đang bước vào giai đoạn thử nghiệm vắc xin cuối cùng.
 
Không chỉ có Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đang trong cuộc đua tìm kiếm và bào chế vắc xin Covid-19. Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết dự kiến vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên của Nga sẽ được đăng ký giấy phép trong vòng 10 ngày nữa.
 
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho hay Nga đang lên kế hoạch bắt đầu tổ chức tiêm vắc xin đại trà vào tháng 10. Loại vắc xin được sử dụng trong đợt tiêm chủng này do Viện Nghiên cứu dịch tễ - Vi trùng học Gamaleya nghiên cứu và phát triển. Ngoài ra, một mẫu vắc xin nữa do phòng thí nghiệm Vektor phát triển hiện đang trải qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng, trong khi hai mẫu vắc xin khác sẽ bắt đầu thử nghiệm trên người trong vòng hai tháng tới.
 
Vắc xin phòng Covid-19 do tập đoàn dược phẩm Sanofi nghiên cứu tại Val de Reuil, Pháp.    Ảnh: AFP/TTXVN
Vắc xin phòng Covid-19 do tập đoàn dược phẩm Sanofi nghiên cứu tại Val de Reuil, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong cuộc chiến vắc xin Covid-19 hiện nay, một số nước giàu có hơn đã quyết định “chơi riêng” khi trực tiếp thỏa thuận với các hãng sản xuất dược phẩm để có được hàng triệu liều vắc xin hứa hẹn cho công dân của mình. Theo các chuyên gia, các thỏa thuận – trong đó có cả thỏa thuận của Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) với các hãng dược phẩm lớn như Pfizer, BioNtech, AstraZeneca và Moderna – đang hủy hoại xu hướng toàn cầu.
 
Theo tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), điều này sẽ càng khiến các nước giàu chạy đua tích trữ vắc xin và làm sinh ra một xu hướng nguy hiểm: chủ nghĩa dân tộc vắc xin. Các chuyên gia y tế cho rằng, xu hướng chủ nghĩa dân tộc trong cuộc chạy đua thu mua vắc xin Covid-19 hiện nay có thể lặp lại điều tương tự trước đây với đại dịch cúm H1N1 giai đoạn 2009 - 2010 khi các nước giàu thu mua các loại vắc xin có sẵn, và khiến các nước nghèo gần như không thể mua được loại vắc xin này ở giai đoạn đầu.
 
Nếu một số nước, thậm chí tới 30-40 nước có vắc xin ngừa Covid-19, nhưng hơn 150 nước và vùng lãnh thổ còn lại trên thế giới không có, thì đại dịch sẽ vẫn hoành hành” - ông Seth Berkley, Giám đốc Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng.

Tuy nhiên, 10 năm trước, H1N1 chỉ là một dịch bệnh có mức độ vừa phải và tác động về mặt lây nhiễm, số ca tử vong hay tình trạng mất cân bằng phân phối vắc xin cũng chỉ ở mức hạn chế. Còn hiện nay, Covid-19 lại là mối đe dọa nghiêm trọng và việc mất cân bằng phân phối vắc xin sẽ khiến một số lượng lớn dân số thế giới rơi vào tình cảnh nguy hiểm. Điều này sẽ chỉ khiến đại dịch ngày càng lan rộng và những thiệt hại do nó gây ra cũng ngày càng lớn hơn.

Vắc xin Covid-19 cũng đang được Trung Quốc sử dụng như “con bài” ngoại giao để gia tăng ảnh hưởng của mình. Các loại vắc xin mà Trung Quốc đang phát triển hiện nay nằm trong số những “ứng cử viên hàng đầu” được “săn đón” để phòng chống dịch Covid-19. 
 
Các nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng, nếu thành công, các loại vắc xin đó sẽ là một “hàng hóa toàn cầu”, đúng như cam kết mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra trong một cuộc họp của Ban điều hành Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi tháng 5-2020. Tuy nhiên, Bắc Kinh không nói rõ nước này sẽ làm việc thế nào với các công ty trong nước để đạt được mục tiêu về một loại “hàng hóa toàn cầu” trong khi vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ vắc xin cho 1,4 tỷ dân của mình.
 
Hơn 75 nước giàu trong đó có Anh đã bày tỏ quan tâm tới COVAX, một cơ chế do WHO và Liên minh Các sáng kiến chuẩn bị đại dịch (CEPI) cùng thực hiện nhằm đảm bảo phân phối công bằng vắc xin cho các nước thành viên, trong đó có cả những nước không thể tự mua vắc xin.
 
Tuy nhiên, theo Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), Mỹ, Trung Quốc và Nga lại chưa bày tỏ quan tâm tới cơ chế này. Một nguồn tin EU tuần trước cho biết, Ủy ban châu Âu thậm chí đã khuyến cáo các nước thành viên không mua vắc xin Covid-19 thông qua COVAX.
 
Mục đích của COVAX là phân phối vắc xin cho ít nhất 20% dân số của các nước có tham gia sáng kiến này. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành GAVI Seth Berkley nói rằng, nếu các nước hay khu vực tư lợi tìm cách thu mua vắc xin để đảm bảo cho toàn bộ dân số của mình thay vì chia sẻ cho các nước khác để ưu tiên bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất – thì đại dịch có thể sẽ không được kiểm soát.
 
Trong khi đó, hôm 3-8 WHO đã cảnh báo rằng bất chấp hy vọng ngày càng gia tăng về vắc xin, có lẽ không bao giờ có "viên đạn bạc" (phương án giải quyết hiệu quả ngay tức khắc cho một vấn đề khó khăn) tiêu diệt được Covid-19. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan đều hối thúc các quốc gia thực hiện quyết liệt các biện pháp y tế như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay và xét nghiệm.
 
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.